Theo WB, mỗi năm có tới hàng trăm triệu USD sản lượng và hàng trăm nghìn việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng vì lũ lụt ven sông và biển tại Việt Nam.

"Khu vực ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, tuy nhiên các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ", Ngân hàng Thế giới (WB) viết trong báo cáo "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển", được công bố hôm 22/10.

WB cho rằng Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới, nếu không hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên.

Báo cáo của Chính phủ Việt Nam, WB và Quỹ toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thiên tai cho biết 12 triệu người ở các tỉnh ven biển Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ những trận bão lũ nặng nề. Hơn 35% nhà ở hiện nằm tại các khu vực ven biển bị xói mòn.

Hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới có thể bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên. Ảnh: Hoàng Giám.

Xóa sạch hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế

Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP) và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng cũng đối mặt nguy cơ bị hủy hoại. Việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất. Ngập lụt nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp tới 26% bệnh viện công và trạm xá cùng 11% trường học trong khu vực.

Hơn 1/3 lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng, do đó đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do bão.

“Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và có khả năng thích ứng với khí hậu cho các vùng ven biển của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những thách thức của các cú sốc thiên nhiên và biến đổi khí hậu", ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

"Chúng ta phải đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng nếu muốn đạt được mục tiêu thịnh vượng kinh tế”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Hơn 35% nhà ở hiện nằm tại các khu vực ven biển bị xói mòn. Ảnh: Phạm Trường.

Chẳng hạn, báo cáo chỉ ra 2/3 hệ thống đê biển của Việt Nam hiện không đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn theo quy định.WB cho rằng chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Các tồn tại chính là thông tin rời rạc và thiếu, những quy định liên quan như quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng được thực thi kém hiệu quả.

Duy trì động lực tăng trưởng, đảm bảo khả năng chống chịu

“Nếu vẫn tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để những khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bình luận.

Báo cáo cũng đưa ra kế hoạch hành động cụ thể thuộc năm lĩnh vực chiến lược cần được triển khai khẩn trương và dứt khoát. Đầu tiên là cải thiện các công cụ dữ liệu và ra quyết định bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai có thể truy cập công khai và hệ thống quản lý tài sản đối với những cơ sở hạ tầng quan trọng.

Thứ hai là cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian dựa trên thông tin có sẵn tốt nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công bằng cách nâng cấp các công trình này tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn an toàn hiện có.

Thứ tư là tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bằng cách khai thác khả năng bảo vệ và đóng góp phát triển kinh tế của hệ sinh thái một cách có hệ thống.

Khu vực ven biển với thiên nhiên trù phú hiện mang lại sinh kế cho khoảng 47 triệu người dân Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cuối cùng, cần nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Khu vực ven biển với thiên nhiên trù phú hiện mang lại sinh kế cho khoảng 47 triệu người dân, tương đương một nửa dân số trên cả nước. Tuy nhiên đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra tại Việt Nam.

  • Hết dịch bệnh rồi lại đến thiên tai, Hội An khổ chồng thêm khổ

    Hết dịch bệnh rồi lại đến thiên tai, Hội An khổ chồng thêm khổ

    CafeLand - Dịch bệnh Covid 19 vừa lắng xuống, ngành du lịch tại phố cổ Hội An thầm mừng mở cửa trở lại thì ngay lập tức, bão và lũ ập đến đã khiến cho hàng loạt khách sạn, nhà hàng, biệt thự du lịch, homestay,… phải chốt cửa then cài trở lại để chống bão, lũ. Chưa bao giờ như bây giờ, người dân Hội An lại khổ chồng thêm khổ như thế!

Thảo Cao (Zing.vn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.