CafeLand - Năm 2013 được dự báo là năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp BĐS. Nhiều dự án được cắt giảm, còn người dân cũng tiết giảm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) từ quy mô lớn, đến các cửa hàng nhỏ lẻ ngày càng chật vật hơn.

Vào mùa vẫn ế

Những năm trước đây, cứ đến mùa xây dựng là giá các sản phẩm VLXD tăng cao, thậm chí còn khan hiếm. Riêng năm nay, các doanh nghiệp sản xuất VLXD như: Thép, đá, gạch, xi măng, đều rơi vào tình trạng khó khăn. Dạo quanh các cửa hàng VLXD trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành (Q.10), trục đường Võ Văn Kiệt,… mới thấy cảnh khó khăn chung của từng đơn vị, nhiều DN sản xuất, dự trữ VLXD không bán được khiến cho không khí mua bán hết sức đìu hiu.

Cô Phương Hồng - chủ các cửa hàng VLXD và Trang trí nội thất Phương Hồng trên đường Hàm Tử, Q.5 cho biết, từ đầu năm đến nay mua bán rất ế ẩm, sức mua các mặt hàng VLXD giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở nhóm hàng chủ lực như xi măng, sắt, thép,… Cô nói: “Vào thời điểm này của 5 năm trước, người mua hàng rất đông, có khi phải đặt trước cả tuần lễ mới có. Nhất là khoảng gần 30/4, hầu như không có hàng để bán. Còn hiện nay, hàng đang có sẵn còn người mua thì chẳng thấy đâu”.

Anh Tiến - nhân viên bán hàng Công ty Nghĩa Thiện, Bình Trị Đông, quận Bình Tân cho hay, so với những năm trước đây việc buôn bán đã ế ẩm thì nay tình hình còn thê thảm hơn, đa phần chỉ bán được hàng cho số ít dự án đang dần hoàn thiện, hay khách hàng nhỏ lẻ nên doanh số chẳng đáng là bao.

“Chợ chiều” là tình trạng chung của nhiều cửa hàng VLXD. Ảnh: Minh Nguyên

Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh cát, gạch xây, gạch ốp tường, sơn, đá hoa cương, gạch trang trí, thiết bị vệ sinh,… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh ở Q.10 than thở, hầu hết các cửa hàng nằm trên đường Tô Hiến Thành đều bán VLXD nhưng người mua thưa thớt. Do nền kinh tế khó khăn, người dân ít sửa chữa nhà nên bán được ít. Theo chị Hồng, tình trạng ế ẩm trên là do tác động của thị trường BĐS, cảnh mua bán đã không còn nhộn nhịp như trước. Hầu hết là khách hàng nhỏ lẻ có nhu cầu sửa chữa nhà, một số ít có nhu cầu xây dựng.

Khó khăn chồng chất

Theo số liệu báo cáo tình hình hoạt động quý I/2013 của Bộ Công Thương cho biết, ước sản xuất thép toàn ngành đạt 867.000 tấn, giảm 5% (30.000 tấn) so với cùng kỳ. Tuy sản lượng thép tiêu thụ tăng 5% (30.000 tấn) nhưng lượng thép tồn kho tính đến ngày 15/3 vẫn còn 330.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong quý I/2013, ước lượng xi măng tiêu thụ tăng 15% với 7,55 triệu tấn, nhưng tồn kho lên đến 0,87 triệu tấn, tăng 17.000 tấn so với cùng kỳ và và clinke còn tồn 2,3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã giảm sản lượng nhưng các loại vật liệu như xi măng, sắt, thép, nhôm, gạch ceramic,... vẫn còn tồn kho do sức mua khá yếu. Đây chính là nguyên nhân đáng lo ngại cho ngành xây dựng, VLXD.

Thị trường BĐS trầm lắng khiến ngành VLXD không khả quan hơn. Ảnh: Minh Nguyên

Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp VLXD càng chật vật hơn. Hơn thế nữa, những tháng tới là mùa mưa bão, được xem là thời gian thấp điểm nhất về xây dựng nên thị trường VLXD sẽ càng khó khăn hơn. Nếu không có sự cải thiện về thị trường cũng như nguồn vốn, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ nặng. Mặt khác các chính sách gần đây của Chính phủ lại không “có phần” hỗ trợ các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý thị trường, làm cho ngành vật liệu xây dựng đã khó lại càng khó hơn. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị rằng việc hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa là một trong những cách giúp họ vượt khó.

Minh Nguyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.