Gần 1 tháng qua, giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 4,5-5,2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, đây là mức chênh lệch rất lớn và có thể dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.
Duy trì chênh lệch cao
Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giá vàng thế giới tiến lên sát mốc 1.141USD/oz, mức cao nhất kể từ ngày 19-12-2016. Như vậy giá vàng thế giới đã có sự hồi phục sau 7 tuần liên tiếp sụt giảm trước kỳ nghỉ Giáng sinh, quãng giảm dài nhất 12 năm qua. Nguyên nhân do nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường dù chưa hết kỳ nghỉ lễ.
Vì thế, khối lượng giao dịch trên thị trường khá mỏng, chưa thúc đẩy được đà tăng của giá vàng. Hiện thị trường vàng và tài chính thế giới vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ, chỉ một số nước châu Á tham gia giao dịch, tuy nhiên lực mua và bán khá yếu nên không tác động nhiều đến thị trường.
Chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế, giá vàng trong nước đầu ngày 28-12 không có nhiều biến động, thậm chí có phần nguội lạnh. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 36,23 triệu đồng/lượng và bán ra 36,43 triệu đồng/lượng, không đổi so với chốt phiên cuối ngày hôm trước.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá mua vào, bán ra là 36,10-36,47 triệu đồng/lượng. Đại diện PNJ cho hay lượng giao dịch vàng miếng trong toàn hệ thống PNJ có phần khá trầm lặng, đa số là các giao dịch nhỏ và trung bình, chủ yếu ở khu vực TPHCM và Cần Thơ.
Tổng lượng giao dịch vàng miếng trong toàn hệ thống ước tính hơn 200 lượng, giảm hơn 40% so với những ngày trước, đa số khách hàng vẫn đang rất thận trọng và chủ yếu là thăm dò giá. Một số khách hàng đang chờ qua Tết Dương lịch mới tham gia mua bán, nên nhìn chung thị trường trong nước giao dịch khá mỏng.
Mặc dù thị trường vàng trầm lắng, nhưng vấn đề đang gây chú ý ở thời điểm cuối năm 2016 là chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới liên tục duy trì mức cao. Nếu tính theo tỷ giá quy đổi của Vietcombank ngày 28-12 ở mức 22.790 đồng/USD, giá vàng thế giới đang ở khoảng 31,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Khoảng cách chênh lệch lớn này kéo dài kể từ cuối tháng 11-2016.
Nguyên nhân của tình trạng này do giá vàng quốc tế sụt giảm mạnh khoảng 8% trong tháng 11-2016, đặc biệt sau đó đồng USD liên tục tăng giá, cùng với việc thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm khiến các nhà đầu tư e ngại với kim loại vàng.
Trong khi đó giá vàng trong nước vẫn theo xu hướng thế giới nhưng giảm chậm hơn, dẫn đến mức chênh lệch duy trì khá cao từ 4,5-5,2 triệu đồng mỗi lượng. Các nhà đầu tư cho rằng điều này thực sự chưa phù hợp với quy luật của thị trường vàng. Đa số chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên nóng vội trước các quyết định mua, bán, mà nên quan sát kỹ lưỡng và thận trọng hơn với diễn biến của thị trường.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Phải giảm tâm lý tích trữ vàng
Theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, có 3 lý do dẫn đến hiện tượng giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Thứ nhất, năm 2016 sắp kết thúc nên NHNN không cung vàng SJC ra thị trường vì chỉ tiêu trong năm đã hết.
Trong khi đó, nhu cầu mua vàng của người dân quá lớn so với nguồn cung nên giá vàng SJC bị đẩy lên. Phải sang năm 2017 NHNN mới đưa ra thị trường nguồn cung mới để dung hòa. Thứ hai, tâm lý đầu cơ vào USD, vàng của người dân vẫn còn dù NHNN đã khẳng định sẵn sàng can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Thứ ba, một số hợp đồng vay vàng đã đến lúc đáo hạn nên người dân phải mua vàng để trả nợ vàng.
Để giải quyết vấn đề này, NHNN nên sớm đưa ra thị trường lượng cung SJC cần thiết để bù đắp nhu cầu trên thị trường trong năm mới. Mặt khác, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, chắc chắn giá vàng sẽ giảm mạnh, người dân cần hạn chế tâm lý đầu cơ vàng.
Nguồn vốn nhàn rỗi nên chọn các kênh kinh doanh khác có lợi nhuận hơn so với vàng đang ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Sóng vàng luôn phức tạp, chạy theo nhiều biến số khác nhau, rất khó lường và đã có tới hơn 90% nhà đầu tư vào kênh này bị thua lỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vay vàng có thể chọn cách quy ra VNĐ để trả nợ nhằm giảm bớt nguồn cầu trên thị trường.
Trước đây, Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phép NHNN độc quyền nhập khẩu vàng miếng và quốc hữu hóa thương hiệu vàng SJC. Kết quả tích cực của chủ trương này là chấm dứt được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và bình ổn thị trường, giảm những cơn sốt vàng.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia tài chính, thị trường vàng trong nước hiện nay đã ổn định, chính sách này phần nào khiến nguồn cung vàng trên thị trường rất hạn chế và cung không đáp ứng được cầu, do vậy giá vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông với nhau.
Trong 2 năm qua NHNN không nhập khẩu thêm vàng, trong khi đó nhu cầu vàng trong nước vẫn luôn hiện diện, nên giá vàng tăng là điều tất yếu. Với mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang khá cao như hiện nay càng làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng để hưởng lợi.
Xuân Anh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.