Động thái tới đây của ECB đang được mong chờ nhiều nhất, đặc biệt là sau khi Hội nghị khẩn cấp Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 5/6 không đi tới một thỏa thuận cụ thể nào.
Vàng hiện đang vững trên ngưỡng 1.600 USD/ounce kể từ khi giá kim loại quý này tăng 4,3% trong phiên cuối tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư hy vọng rằng các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đặc biệt sau khi Mỹ công bố số liệu yếu kém bất ngờ của thị trường việc làm trong nước.
Sau cuộc họp của ECB, tâm điểm của thị trường sẽ dồn vào buổi điều trần của Chủ tịch FED Ben Bernanke trước Quốc hội Mỹ trong ngày 7/6 và diễn biến này dự kiến sẽ cho thị trường biết ý định của FED trong các chính sách kinh tế tiếp theo.
Theo nhà kinh doanh Ronald Leung thuộc Công ty Lee Cheong Gold Dealers tại Hồng Công, nếu ông Bernanke ám chỉ sẽ có gói nới lỏng định lượng thứ ba (QE3), thị trường vàng sẽ nhanh chóng tiến về phía 1.650 USD/ounce hoặc xa hơn thế.
Trong khi đó, theo biểu đồ mang tính kỹ thuật, giá vàng đang vấp phải mức kháng cự khoảng 1.628 USD/ounce, so với mức đỉnh điểm từ đầu năm đến nay là 1.790,3 USD/ounce.
Vào lúc 13 giờ 33 theo giờ Việt Nam tại Sàn giao dịch Xinhgapo, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.624,40 USD/ounce và giá vàng Mỹ giao tháng 8/2012 giao dịch điện tử tại đây cũng tăng 0,5% lên 1.625,80 USD/ounce.
Đêm trước, giá vàng cũng đã đi lên tại thị trường phương Tây, trước triển vọng các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia sẽ thực hiện gói QE nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Chốt phiên 5/6 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 8/2012 tăng 3 USD lên 1.616,9 USD/ounce.
Giới phân tích thị trường cho rằng mặc dù các nhà hoạch định chính sách các nước thuộc Nhóm G7 chưa đạt được thỏa thuận cụ thể về các vấn đề kinh tế then chốt trong thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư đã dự báo rằng số liệu kinh tế yếu kém và khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu sẽ là hai nhân tố chủ chốt thúc đẩy các nước đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả, như nới lỏng chính sách tiền tệ hay còn gọi là nới lỏng định lượng.