Cùng với xu hướng suy giảm chưa ngừng lại của giá vàng thế giới, nghị định của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng cũng sẽ lập tức tác động đến giá vàng trong nước. Trong tuần này, có thời điểm giá vàng có thể lao dốc thật sự.

Giá vàng trong nước đã khép lại một tuần "thành công" trong việc giữ độ chênh đến hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế và do đó vẫn duy trì độ lệch pha với vàng thế giới.


Thị trường vàng đứng trước cơn
Giá vàng sẽ lao dốc trong tuần này?

Nhà đầu tư và người tiêu dùng Việt Nam có thể kỳ vọng gì vào giá vàng trong nước trong những ngày tới? Độ chênh hơn 3 triệu đồng/lượng có thể được giữ đến khi nào? Lời giải đáp cho những ẩn số đó phụ thuộc vào xu hướng giá vàng thế giới và cả động thái của các tổ chức dẫn dắt thị trường trong tuần này.


Điểm trùng hợp trong mấy tuần qua là trong khi các công ty kinh doanh vàng bạc trong nước đã bán ra đến 20 tấn vàng, thì quỹ ủy thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng đã xả đến 10 tấn. Động thái bán ra của SPDR có ý nghĩa như thế nào?


Không đơn giản là việc "tái cơ cấu danh mục" như hoạt động thường thấy trên thị trường chứng khoán, mà động tác bán ra của SPDR đã phát ra tín hiệu bi quan cho thị trường vàng quốc tế, kìm giữ không cho thị trường này tăng trở lại, mặc dù cho đến nay giá vàng thế giới đã mất đến 16% so với giá trị đỉnh của nó.


Tỷ lệ mất mát 16% của giá vàng thế giới là tương đương với chặng đường bổ nhào của chỉ số chứng khoán Dow Jones vào tháng 8-2011. Với sự tương đồng này, giá vàng thế giới liệu có tạo nên được sự phục hồi nhẹ như Dow Jones đã làm trong tháng 9-2011? Câu hỏi này xem ra khó trả lời hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ, bởi đường biểu diễn suy giảm của giá vàng thế giới đang làm nên một chữ V ngược so với đường đi lên trước đó của nó.


Trong lịch sử vào những năm 2006 và 2008, giá vàng thế giới cũng đã từng đảo chiếu giảm mạnh theo mô hình chữ V ngược như thế, để kết quả là giá vàng đã mất ít nhất 20%. Còn nay, ngay dưới vùng 1.600USD/oz là ngưỡng 1.500 USD/oz, mà nếu giảm về vùng này thì giá vàng thế giới sẽ mất khoảng 20% so với giá trị đỉnh.


Trong một nhận định gần đây, tổ chức phân tích giá vàng UBS cũng đã đề cập đến 1.500 USD/oz như một ngưỡng chống đỡ cận kề của giá vàng, nhưng không loại trừ giá vàng còn có thể xuyên thủng ngưỡng chống đỡ này.


Một hiện tượng khá tương đồng khác giữa hoạt động kinh doanh vàng thế giới và vàng trong nước là sức cầu có xu hướng giảm sút trong khoảng một tuần trở lại đây. Với vàng trong nước, giá mới chỉ giảm khoảng 10% so với mức đỉnh, nhưng xu hướng lực mua, trong đó chủ yếu xuất phát từ cá nhân, giảm sút đã cho thấy kỳ vọng về khả năng giá vàng tăng lại đang trở nên thận trọng hơn.


Còn với giá vàng quốc tế, lực cầu cầm chừng ngay cả khi vàng đã mất đến 16% giá trị cho thấy tâm lý người mua đang bị bao phủ sự lo lắng rằng đây là một kênh mang lại rủi ro nhiều hơn là lợi nhuận, và do vậy đang không còn mang tính hấp dẫn thường trực như trước đây nữa.


Giá vàng trong nước không chỉ lệch pha với giá vàng quốc tế về giá trị mà còn về thời gian. Cho tới nay, giá vàng thế giới đã hoàn thành cú bổ nhào đầu tiên trên con đường vỡ bong bóng của nó, nhưng giá vàng trong nước vẫn chỉ mới "giảm kỹ thuật". Vậy phản ứng nào có thể xảy ra nếu trong tuần này hoặc tuần sau, giá vàng thế giới tiếp tục suy giảm về mốc 1.500USD/oz?


Nếu khả năng suy giảm trên xảy ra (hiện thời khả năng này được đánh giá khá cao), giá vàng trong nước cũng sẽ tiếp tục giảm. Nhưng khác với bối cảnh quốc tế, giá vàng trong nước đang đứng trước một "nguy cơ" rất lớn. Đó là những động thái của Ngân hàng nhà nước siết lại hoạt động kinh doanh và đầu cơ vàng.


Một dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng đang được Ngân hàng nhà nước hoàn tất và cũng đã được Bộ Tư pháp góp ý, đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần chính của bản nghị định này là hạn chế kinh doanh vàng miếng và mở lại việc kinh doanh vàng qua hệ thống tài khoản. Hai ngân hàng ACB và Eximbank đang được lựa chọn là nơi thí điểm hình thức kinh doanh này.


Nếu tình trạng kinh doanh vàng miếng bị hạn chế hoặc bị cấm hẳn, thì như đánh giá của một giám đốc ngân hàng, mức thanh khoản trên thị trường kinh doanh vàng miếng sẽ giảm đến 90%. Mà 90% cũng gần đồng nghĩa với việc mất thanh khoản. Khi đó, dòng tiền có thể chuyển sang kinh doanh vàng qua tài khoản, hoặc cũng có thể đổ sang các kênh đầu tư khác.


Không còn nhiều thời gian cho các nhà đầu tư kinh doanh vàng, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, suy ngẫm và tính toán. Khả năng thị trường vàng bị co hẹp là cao, thậm chí rất cao. Cùng với xu thế đổ dốc của giá vàng thế giới, vàng trong nước sẽ đồng thời bị giảm giá và cả sụt giảm về thanh khoản, mang lại cho nhà đầu tư hai rủi ro lớn.


Tác động về chính sách sẽ gây phản ứng tức thì đối với thị trường. Vào bất cứ thời điểm nào nghị định quản lý kinh doanh vàng được Chính phủ thông qua theo đúng tinh thần soạn thảo của nó, giá vàng trong nước rất nhiều khả năng sẽ lập tức lao dốc.


Một lý do khác để giá vàng trong nước phải lao dốc là nó phải bảo đảm tính tương quan với đồ thị giá vàng thế giới khi độ lệch pha về giá và về thời gian chấm dứt. Khi đó, vùng 40-41 triệu đồng/lượng sẽ là trạm dừng chân đầu tiên của giá vàng trong nước.

Theo Trường Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.