Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/5. Tuy nhiên, theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường sẽ biến tướng nếu không tháo gỡ hai nút thắt.

Chỉ còn vài ngày nữa là Nghị định về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực. Theo ông, liệu thị trường có nảy sinh những biến tướng sau thời điểm này?

Khi Nghị định có hiệu lực, thị trường vàng vẫn còn hai nút thắt mà không giải quyết sẽ dễ nảy sinh tình trạng lách luật. Nút thắt thứ nhất là chưa huy động được vàng trong dân, nút thắt thứ hai là chưa đảm bảo được sự liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch 400.000 đồng/lượng là chấp nhận được, song chênh lệch giá hiện nay vẫn thường xuyên ở mức 2 - 3 triệu đồng/lượng, chứng tỏ có yếu tố tâm lý, yếu tố đầu cơ, làm giá, có yếu tố quản lý không tốt.

Muốn để giá vàng trong nước thông thương với giá thế giới, Nhà nước phải quản lý hoàn toàn hoạt động xuất nhập khẩu. Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có bước tiến là, Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, song việc này phải thực hiện nghiêm túc, triệt để nhằm tránh lách luật.

Có ý kiến cho rằng, để giá vàng trong nước và thế giới thông nhau, cần cho phép kinh doanh vàng tài khoản. Theo ông, Việt Nam có nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản?

Theo tôi, kinh doanh vàng tài khoản là một lối thoát cho thị trường vàng, tuy nhiên, chỉ mở kênh này khi Nhà nước kiểm soát được, nhằm tránh tình trạng bị lợi dụng như đã xảy ra trước đây.

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối. Theo đó, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, đây là cách quản lý phù hợp.

Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhưng khả năng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá lớn vẫn có thể diễn ra, nếu Nhà nước không có lượng vàng dự trữ để tung ra can thiệp thị trường đúng thời điểm. Vậy làm thế nào để có thể huy động vàng trong dân một cách hiệu quả, thưa ông?

Hiện nay, lượng vàng trong dân ước khoảng 500 tấn. Muốn huy động được lượng vàng này, thứ nhất, cần có cơ chế đảm bảo giá cho người dân không bị thiệt, có lãi, có thể rút vàng bất cứ lúc nào. Thứ hai, đảm bảo số vàng huy động về có thể sinh lãi được. Thứ ba, phải dự tính lượng tạm trữ đảm bảo an toàn. Khi đã nắm lượng vàng dự trữ trong tay, Nhà nước có thể kinh doanh, thiếu thì nhập khẩu, thừa thì xuất khẩu, có biến động thị trường là lập tức can thiệp ngay, tức đảm bảo khả năng điều hành bộ máy nhạy bén, thông suốt.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.