23/04/2011 2:09 AM
Giá các sản phẩm thép dây cán nhập khẩu và sản xuất tại châu Âu đã giảm mạnh trong tuần này do nhu cầu đình trệ và sản xuất thép tăng kỷ lục trong tháng 3/2011.
Diễn biến giá:

Giá các sản phẩm thép dây cán nhập khẩu và sản xuất tại châu Âu đã giảm mạnh trong tuần này do nhu cầu đình trệ và sản xuất thép tăng kỷ lục trong tháng 3/2011.

Các thương gia cho biết giá chào bán thép dây cán nóng giao dịch ở mức 525-535 euro/tấn, giao tại nhà máy ở Nam Âu, giảm so với mức 570-580 Euro/tấn trong tuần qua. Giá thép dây cán nóng sản xuất tại Bắc Âu giao dịch ở mức 550-570 Euro/tấn giao tại nhà máy, giảm so với mức 598-605 Euro/tấn tuần vừa qua. Do sản xuất thép tăng và các nhà máy đang tái dự trữ, người mua đang hoãn mua do họ dự kiến giá giảm hơn nữa.

Một thương gia tại Luân Đôn cho rằng triển vọng nhìn chung không tốt trong lúc này. Có quá nhiều nguyên liệu trên thế giới và giá có thể giảm còn 500-515 euro/ tấn, giao tại nhà máy. Giá thép dây cán nóng từ Nga được chào bán với giá 490-500 Euro/tấn CFR tại Nam Âu, giảm so với mức 510-520 Euro/tấn, CFR tuần vừa qua và giá cùng loại sản phẩm từ Ukraina giảm dưới 500 Euro, CFR Nam Âu. Giá mua nguyên liệu của Thổ Nhĩ Kỳ là 505-525 Euro/tấn, CFR Nam Âu, giảm so với 520-530 Euro trong tuần vừa qua.

Tại Châu Á, Hãng thép Shangang, Trung quốc thông báo tăng giá thép lần thứ hai kể từ giữa tháng Hai đến ngày 21 tháng Tư. Hãng quyết định tăng giá thép dây tốc độ cao xuất xưởng và thép cây dự ứng lực thêm 50 CNY/T đối với mỗi loại. Trong khi đó, giá xuất xưởng của thép cây không định hình vẫn không thay đổi. Giá mới có hiệu lực từ 21/4/2011.

Trong khi đó, Hãng China Steel Corp. (CSC) thông báo giữ nguyên giá thép xuất khẩu với tất cả các sản phẩm thép trừ thép lá mạ kẽm(GI), mạ điện(EG) là những loại tăng bình quân từ 20 đến 30 nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường cho rằng không thể tưởng tượng nổi khi thép GI tăng giá trong khi giá cũ đã cao hơn giá của các đối thủ cạnh tranh. Bởi vậy, giá mới thép GI xuất khẩu trở nên kém hấp dẫn khách hàng hơn.

Tình hình cung cầu:
Thế giới: dự kiến tiêu thụ thép 2011

Theo dự báo của Worlsteel, tiêu thụ thép của Mỹ tăng 13% trong năm 2011 do ảnh hưởng của chính sách nới lỏng tín dụng vòng hai. Trong khi đó, tiêu thụ thép của EU tăng 4,9% trong năm nay và 3,7% trong năm 2012 do ảnh hưởng khủng hoảng của ngành xây dựng. Ngành xây dựng các nước Nam Âu phát triển kém là đặc điểm của khu vực trong nhiều năm.

Nhu cầu thép của Trung đông và Bắc Phi do chịu ảnh hưởng của căng thẳng chính trị có thể không tốt lắm trong vài tháng qua.Nhu cầu thép của của châu Phi sẽ tăng 3,1%, giảm so với năm trước.

International Stainless Steel Forum (ISSF) dự đoán tiêu thụ thép không gỉ toàn cầu năm 2011 có thể tăng 8,3% và năm 2012 sẽ giữ nguyên mức tăng này. Đóng góp vào lượng tiêu thụ này chủ yếu là ngành ô tô và những ngành sử dụng thép dài.

Ngoài ra, động đất ở Nhật bản và tình hình bất ổn ở Bắc Phi cũng góp phần hâm nóng thị trường thép không gỉ.

Trong khi đó, Metal Bulletin Research (MBR) cho biết, sản lượng thép không gỉ thô toàn cầu đạt từ 33 đến 34 triệu tấn năm 2011 và giữ mức này trong những năm tiếp theo.

Nhật Bản- sản lượng giảm trong tháng 3

Sản lượng thép thô của Nhật bản trong tháng Ba đạt 9,09 triệu tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn dự đoán sau khi xảy ra động đất và sóng thần do nhu cầu mạnh từ nước ngoài bù đắp lại những ảnh hưởng thiên tai trong nước. Song con số này lại tăng 1,7% so với tháng Hai.

Trận động đất đã ảnh hưởng đến các nhà máy của JFE Holdings, Nippon Steel Corp và Sumitomo Metal Industries Ltd, khiến họ phải tạm thời đóng cửa 7 lò cao ở phía đông đất nước. Nhưng trận động đất này lại gây thiệt hại ít hơn dự đoán với các nhà máy của Sumimoto Metal’s Kashima, những nhà máy ở gần trung tâm động đất nhất.

Nhu cầu thép nội địa còn rất yếu sau động đất và sẽ tiếp tục yếu trong năm tài chính này mặc dù công cuộc tái thiết sau sóng thần đã đẩy nhu cầu lên khi mùa hè này kết thúc.

Trung Quốc- Nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng cao

Hiệp hội Sắt thép Trung quốc(CISA) cho biết n hu cầu thép của Trung quốc được dự báo sẽ tăng trong suốt mùa xây dựng, nhưng chính sách thắt chặt tài chính của chính phủ có thể làm thị trường không ổn định.

CISA cũng cảnh báo, xuất khẩu thép của Trung quốc phải đối mặt với khó khăn ngày một lớn khi nhu cầu của thế giới tăng chậm lại và thảm hoạ của Nhật bản sớm được khắc phục sẽ cản trở việc nhập khẩu thép từ Trung quốc.

Dự trữ của 5 sản phẩm thép chủ yếu, gồm thép cốt bê tông, thép dây, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và thép tấm trong 26 thành phố giảm xuống 16,89 triệu tấn trong tháng Tư, giảm 5,6% so với tháng Ba.

Tuy nhiên, CISA chỉ ra rằng giá thép sẽ tăng nhẹ trong tương lai gần do nhu cầu tăng trong mùa xây dựng mạnh và giá hàng tiêu dùng tăng do lạm phát .

Hàn Quốc- tăng nhập khẩu thép cuộn cán nóng

Hàn quốc nhập 368,66 nghìn tấn thép cuộn cán nóng (HRC) trong 17 ngày đầu tháng 4 với giá bình quân là 771USD/tấn. Trong số này, 151,88 nghìn tấn nhập từ Trung quốc và 183,60 nghìn tấn nhập từ Nhật bản. Được biết, khách hàng Hàn quốc tìm nguồn nhập khẩu giá hạ trong lúc thị trường nội địa giá quá cao.

Brazin- sản lượng thép tăng 6,2% quý 1:

Viện thép Brazil (IABr) cho biết sản lượng thép thô của nước này sản xuất trong quý 1/2011 là 8,5 triệu tấn tăng 6,2 % so với cùng kỳ năm ngoái. Theo IABr, khối lượng thép nhập khẩu của Brazil trong tháng Ba giảm 53,7% so với cùng thời điểm năm ngoái. Việc này đã giúp cho các xí nghiệp thép nội địa dành đuợc thị phần trong nước.Tuy vậy, tiêu thụ thép nội địa của Brazil trong tháng Ba giảm 8,1%.

Hàn Quốc- tăng xuất khẩu thép không gỉ cán nóng tháng 3

Theo Hiệp hội Sắt thép Hàn quốc, trong tháng Ba năm nay xuất khẩu thép không gỉ cuộn cán nóng của nước này tăng về khối lượng nhưng giá bán giảm. Cụ thể, Hàn quốc xuất 47.514 tấn thép không gỉ cuộn cán nóng, tăng 26,7% so với tháng Hai. Trong thời gian này, giá xuất khẩu bình quân sản phẩm này là 2.563 USD/tấn giảm 5,8% so với 1 tháng trước đó.

Trong tháng Ba, Việt nam nhập 8.353 tấn thép từ Hàn Quốc.

Đài loan - giữ nguyên giá xuất khẩu tháng Sáu:

Các nhà máy thép Đài Loan giữ nguyên giá xuất khẩu trong tháng 6 với hy vọng rằng giá mới nhất do Tập đoàn thép Trung quốc (CSC) sắp công bố không thay đổi. Ngoài ra, các nhà cung cấp trên thị trường nước ngoài cũng đang chờ báo giá mới từ các nhà máy khác ở châu Á để xây dựng biểu giá cạnh tranh.

CafeLand.vn - Theo BoCongThuong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.