Bán hàng sắt thép tăng trở lại
Theo thường lệ, giai đoạn cuối năm là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng lên. Mặc khác, dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép trong những tháng cuối năm.
Thị trường thép phục hồi tích cực vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm
Trên thực tế, nhu cầu sửa chữa nhà xưởng và thời tiết thuận lợi đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ ở cả 3 mảng thép chính là thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng HRC. Kết quả, tiêu thụ thép đã phục hồi trở lại trong tháng 8 vừa qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đà suy giảm của tiêu thụ thép xây dựng bắt đầu chững lại, khiến thị trường thép trở nên sôi động hơn.
Sản lượng tiêu thụ thép đã phục hồi trở lại trong tháng 8 vừa qua
Cụ thể, lượng bán hàng trong tháng 8.2022 ở mức 2,15 triệu tấn, tăng 8,13% so với tháng 7 trước đó và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 19,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc sản lượng tiêu thụ thép tăng trưởng trở lại làm dấy lên kỳ vọng ngành thép đang có hiệu phục hồi và chuẩn bị cho đợt tăng mạnh vào cuối năm.
Bên cạnh nhu cầu thép phục hồi, giá thép xây dựng trong nước cũng ghi nhận đà tăng trở lại. Mới đây nhất, các thương hiệu thép xây dựng đồng loạt tăng giá bán lần thứ 3 liên tiếp trong ngày 13.9 với mức tăng cao nhất lên tới 880.000 đồng/tấn.
Như vậy, giá bán mặt hàng thép xây dựng đã tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn sau 3 lần tăng giá, hiện đang dao động trong khoảng 15-16,5 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Trước đó, do ảnh hưởng của biến động giá thép và nguyên liệu đầu vào trên giới, các thương hiệu thép trong nước đã phải áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn, càng khó khăn hơn trong tiêu thụ mặt hàng này.
Vẫn còn phụ thuộc vào nhu cầu thép toàn cầu
Nếu như trong nửa đầu năm nay, yếu tố nguồn cung ảnh hưởng mạnh tới giá nguyên liệu đầu vào cũng như mặt hàng thép xây dựng, thì ở thời điểm hiện tại, bài toán về nhu cầu đang là yếu tố chi phối hơn cả.
Triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp
Hiện cơ cấu sử dụng thép trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản toàn cầu chiếm tới khoảng 52% tổng tiêu thụ theo lĩnh vực.
Trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và các nước tại khu vực EU liên tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát phi mã, rủi ro suy thoái gia tăng sẽ phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ sắt thép trên thế giới.
Đơn cử tại Mỹ, lãi suất đang ở ngưỡng từ 3-3,25% sau 5 đợt tăng liên tiếp từ tháng 3 cho đến nay. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008 và điều này góp phần đẩy lãi suất cho vay thế chấp bất động sản tăng vọt.
Trong khi đó, tại quốc gia tiêu thụ sắt thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thép phục hồi tương đối chậm chạp trước sức ép từ lĩnh vực bất động sản trì trệ và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trước rào cản về triển vọng tiêu thụ thép trên toàn cầu, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm nay liên tục gặp khó. Chín tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu hơn 6,1 triệu tấn sắt thép, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng thép nguyên liệu vẫn duy trì sự ổn định khi giai đoạn từ đầu năm đến ngày 15.9 chỉ giảm nhẹ 8,5% so với năm trước.
Điều này cho thấy rằng, ngành thép trong nước đang từng bước nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thế giới. Tuy nhiên, bài toán về tiêu thụ toàn cầu đang thực sự là một vấn đề nan giải cho hoạt động xuất khẩu vốn đem lại giá trị kinh tế cao của các doanh nghiệp thép trong nước.
Trong bối cảnh ngành thép tại EU đang phải đối diện với loạt rủi ro từ cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho nhiều nhà máy cắt giảm sản lượng, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ nhằm thúc đẩy xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng này.
Hiện tại, thị trường EU là khu vực chiếm tới 18% lượng xuất khẩu thép của nước ta, chỉ sau khu vực ASEAN. Trong 8 tháng năm nay, lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, nhưng sản lượng xuất khẩu sang EU đã tăng nhẹ gần 1% và con số này nhiều khả năng sẽ còn động lực tăng trong giai đoạn quý 4 tới đây.
Trong báo cáo mới đây, VCBS cho rằng nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
Giai đoạn cuối năm cũng sẽ là mùa xây dựng, do đó, bức tranh tiêu thụ hứa hẹn sẽ có sự khởi sắc hơn. Mặc khác, khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.
-
Chỉ số giá xây dựng tăng mạnh do biến động giá thép, xi măng
9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
-
Sau tuyên bố “NHƯỜNG SÂN” của ông chủ Hòa Phát, thị phần ngành thép 2024 đang được phân chia ra sao?
Mặc dù đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thời gian tới, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản....
-
Là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm 15-20% chi phí xây dựng, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng có thể tăng 7% lên 590 USD/tấn.
-
Triển vọng của ngành thép trong năm 2025: Chờ đợi cú hích từ đầu tư công
Năm 2025 được dự đoán là giai đoạn đầy triển vọng cho ngành thép nội địa Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế, nhu cầu đầu tư hạ tầng gia tăng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành thép đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ....