18/07/2023 4:28 PM
Với hơn 60% lượng thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường bất động sản trì trệ đã khiến mặt hàng này rơi vào cảnh ế ẩm dù giá bán liên tục giảm sâu

Giá giảm, tiêu thụ cũng giảm

Thời gian qua, các công trình xây dựng bị ngưng trệ đã gây hiệu ứng domino xuống hệ sinh thái nguyên vật liệu cung ứng ngành xây dựng, từ gạch, đá đến xi măng, sắt thép…

Các chuyên gia nhận định, thép là ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi bất động sản và xây dựng “đứng hình”. Theo đó, các nhà sản xuất thép trong nước đã đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp thép cho biết, thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Song, nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản... đã tác động nặng nề đến ngành này.

Bất động sản trầm lắng khiến tiêu thụ thép ảm đạm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá để tăng tính cạnh tranh. Tính riêng từ tháng 4/2023 đến nay, giá thép đã trải qua 20 lần điều chỉnh, giảm từ mức 17 triệu đồng/tấn xuống dưới 14 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, động thái hạ giá bán các mặt hàng thép xây dựng cũng không giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.

Số liệu từ VSA cho thấy, trong tháng 6/2023, cả nước sản xuất hơn 2 triệu tấn thép thành phẩm, 9,5% so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn này ở mức 2,1 triệu tấn, giảm 6,4% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất thép của cả nước đạt hơn 13,1 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng bán hàng thép thành phẩm đạt 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu sau nửa đầu năm đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Tiêu thụ thép trong tháng 6/2023 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống. Nguồn: VSA

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc ngành địa ốc trầm lắng trong năm nay cũng sẽ kéo theo nhu cầu trong nước khó tăng trưởng.

Đơn vị này dự phóng sản lượng thép nội địa năm 2023 giảm về mức gần 17,89 triệu tấn, giảm khoảng 10,5% trước khi hồi phục về mức sản lượng 19,3 triệu tấn và tăng 8% vào năm 2024.

Nguy cơ thép ngoại “đè” thép nội

Hiện tại, có một nghịch lý đang diễn ra là tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước sụt giảm nhưng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép lo bị bóp nghẹt.

Số liệu từ VSA cho thấy, trong tháng 5/2023, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt hơn 837.000 tấn với trị giá 772 triệu USD, giảm lần lượt 19% về lượng và 13,5% về giá trị so với tháng 4 trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thép ghi nhận giảm 34,5% về lượng và giảm 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng 4,6 triệu tấn sắt thép với trị giá hơn 3,9 tỷ USD, giảm 12,3% về lượng và giảm gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép thành phẩm của cả nước trong tháng 5/2023 đạt 1,1 triệu tấn với trị giá hơn 931 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong giai đoạn này tăng tới 52,6% và tăng 15,2% về trị giá.

Sau 5 tháng, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn sắt thép, trị giá đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 10% về lượng và giảm 16,2% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu hơn 220.000 tấn thép với thâm hụt thương mại 480 triệu USD. Đáng kể là lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh trở lại.

Lý giải về việc phải nhập siêu lượng sắt thép nói trên, Bộ Công Thương cho rằng ngành công nghiệp nặng này đang tồn tại một nghịch lý mà lâu nay chưa giải quyết được. Đó là tình trạng thừa nguồn cung thép xây dựng nhưng lại thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào.

Hiện nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của các nhà máy sản xuất thép trong nước đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, VSA cho rằng thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Tiêu thụ trong nước lao dốc, xuất khẩu khó trong khi sản phẩm nhập khẩu ùn ùn khiến các doanh nghiệp thép lao đao. Điều này đang được phản ánh cụ thể qua lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm rõ rệt, thậm chí thua lỗ trong quý kinh doanh vừa qua.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.