Trong cuộc trao đổi cuối năm xung quanh chủ đề bức tranh thị trường BĐS Việt Nam 2010, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã chỉ ra những nét phác thảo cơ bản, có tính chất tổng quan và đặc biệt nhấn mạnh vào những thành tựu đáng ghi nhận trong thực tiễn, để từ đó đưa ra định hướng quản lý Nhà nước về thị trường BĐS trong giai đoạn tới. Điểm nổi bật trong thành tựu 2010 là chính quyền các cấp đã phát huy tối đa những nguồn lực đa dạng trong xã hội để kiến tạo một nền tảng phát triển nhà ở cũ

Thị trường BĐS - “cú hích” đầu tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam 2010

Theo Thứ trưởng Nam, điều đầu tiên cần ghi nhận về vai trò của thị trường BĐS trong năm 2010, nó có ý nghĩa như một “cú hích” quan trọng góp phần đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nói rõ hơn, thời điểm 2009 khi mối lo về khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu “lan” sang Việt Nam, nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề và tác động đến hoạt động chung của nền kinh tế, thì chính sự trỗi dậy sớm nhất và nhanh nhất của BĐS ngay lập tức tạo lập các dòng tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các hoạt động kinh tế khác có điều kiện bật dậy. Không những thế, các giao dịch diễn ra với số lượng nhanh, kiến tạo nên một thị trường sôi động và hấp dẫn, khác hẳn với các thị trường BĐS trong khu vực, bất chấp những nghi hoặc đặt ra.

Được biết cả nước hiện có 2.500 dự án nhà ở, dự án KĐTM và các dự án kinh doanh BĐS khác với diện tích khoảng 80.000ha. Trong đó, TP.HCM có trên 1.400 dự án, Hà Nội có trên 800 dự án, Hải Phòng có 260 dự án, Đà Nẵng có trên 120 dự án. Tại TP.HCM, mỗi năm các dự án cung cấp trên 3,5 triệu m2 nhà ở. Nhà ở khu vực đô thị tăng bình quân hằng năm trên 15%. Số lượng nhà ở mới đưa vào sử dụng tăng gấp 2 lần, trung bình mỗi năm tăng 70 triệu m2 nhà ở (nhanh hơn dự kiến).


“Bàn tay quản lý” bắt nhịp cùng giai điệu cuộc sống

2010 là năm minh chứng cho các chính sách quản lý thị trường BĐS thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã tổng kết một cách ngắn gọn về điều này như sau: Việc các sàn giao dịch được thành lập và đi vào hoạt động giúp thông tin dự án ngày càng minh bạch hơn theo luật định. Nếu như năm 2009 chỉ có chừng 200 sàn giao dịch thì năm 2010 con số này đã là 600, kèm theo đó là sự tận thu và minh bạch về thuế. Điều đáng nói hơn nữa là tính chuyên nghiệp của các DN kinh doanh BĐS ngày càng sắc nét hơn, khả năng phản ứng trước các diễn biến phức tạp của thị trường cũng nhuần nhuyễn và bài bản hơn, qua đó chứng tỏ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thị trường BĐS cũng rõ rệt và hiệu quả cao hơn tránh được những biến chứng phức tạp, nguy hiểm không đáng có. Sự trưởng thành đồng đều về chất của tất cả các chủ thể tham gia quản lý - điều tiết - thực thi nghiệp vụ trên thị trường BĐS giúp thị trường đi vào “đường ray” định sẵn và hạn chế được nhiều yếu tố rủi ro.

Hàng loạt các điều luật chi phối và quản lý nghiệp vụ đầu tư kinh doanh BĐS khiến hoạt động đi vào nền nếp chặt chẽ, nhưng thực chất lại thông thoáng, minh bạch hơn.

Chương trình Nhà ở xã hội - Dấu ấn son 2010

Năm 2010, thị trường BĐS dành cho đối tượng thu nhập cao đúng như dự báo đã bão hòa, thể hiện rõ nhất tại TP.HCM và bắt đầu “lan” đến Hà Nội. Việc dự báo sớm cũng như sự chuyển hướng kịp thời của các DN BĐS nhanh nhạy nhất khiến phân khúc nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trở thành “điểm hấp dẫn” và đáng quan tâm nhất của thị trường BĐS 2010. Việc cảnh báo kịp thời thực trạng này đã góp phần hạn chế được khá nhiều rủi ro cho những DN biết nắm thông tin và chớp quy luật để phát triển.

Một mặt, các dự án nhà ở chung cư cao tầng cho các đối tượng chính sách thuộc Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM… đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, tạo được niềm tin và hy vọng của nhân dân về chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ. Khả năng trước Tết âm lịch năm nay, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội tiếp tục tiến hành ký kết huy động vốn, đồng thời nhiều hình thức để tạo lập chỗ ở cho các đối tượng chính sách (CBCNV, viên chức, các lực lượng vũ trang, sinh viên và người nghèo đô thị) có thể thuê hoặc thuê mua cũng được tính toán và triển khai rất đa dạng. Tới đây bức tranh nhà ở cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhất định sẽ xuất hiện nhiều mảng sáng. Ví như riêng nhà ở sinh viên, trong tổng số 94 dự án, đã có hơn một nửa được hoàn thành và đi vào khai thác, sử dụng. Điều đó góp phần cho hơn 100 nghìn sinh viên được chuyển tới ở trong những ký túc xá hiện đại có đầy đủ các dịch vụ hạ tầng cơ bản ngay trong năm 2010.

Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hàng loạt các chính sách NƠXH cho các đối tượng khác cũng được triển khai mạnh mẽ và có những kết quả đáng trân trọng. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Hiện 197 nghìn căn nhà trên tổng số 500 nghìn căn theo kế hoạch thực hiện của 4 năm đã được hoàn thành. Tin vui dồn dập báo về trong những ngày cuối năm 2010 là hiện có rất nhiều địa phương đã đẩy tiến độ sớm so với kế hoạch chương trình đề ra như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai hay một số tỉnh thuộc ĐBSCL và Tây Nguyên. “Có một điều chắc chắn rằng, Chương trình này sẽ hoàn thành trong 3 năm thay vì 4 năm so với kế hoạch” - Thứ trưởng Nam khẳng định.

Lợi ích quốc gia là tối thượng

Với những kết quả đầu tư và kinh doanh ấn tượng trong lĩnh vực BĐS, với cơ chế thông thoáng và khích lệ thị trường phát triển đúng hướng, khả năng phát triển của ngành này trong năm 2011 chắc chắn sẽ hứa hẹn nhiều hy vọng về cuộc bứt phá mới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nam, khó khăn thách thức đối với ngành này cũng không hề đơn giản. Trước hết phải đối mặt với thực trạng Nhà nước đang xiết chặt một số chính sách tiền tệ. Phía các ngân hàng thương mại cũng tăng cường quản lý rủi ro tín dụng, toàn bộ nền kinh tế buộc phải đối mặt với câu hỏi cần tìm ra lời đáp: “Ưu tiên chống lạm phát hay ưu tiên đầu tư?” - một câu hỏi khó và các DN BĐS cần đặt mình vào lợi ích chung của quốc gia để tham gia tháo gỡ tình trạng khó khăn chung.

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nam cho rằng, cần hướng tầm nhìn ra thế giới để học hỏi đúc rút kinh nghiệm. Ông cho rằng, qua thực trạng khủng hoảng kinh tế đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia, càng thấy cần nâng cao vai trò và các công cụ quản lý Nhà nước. Nếu buông lỏng hay mắc sai lầm, Nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra “cứu chữa” cho DN với mong muốn qua đó cứu vãn và vực dậy nền kinh tế. Nhưng bản chất đó là tiền thuế do dân đóng góp, rất đau mà vẫn phải làm. “Tốt nhất nên phòng bệnh hơn chữa bệnh và bản thân mỗi DN BĐS cũng tự ý thức được điều này để tránh sa vào những vết trượt dài với tổn thất nặng nề cho mình và kéo theo tổn thất ảnh hưởng đến toàn xã hội”. Cân nhắc lợi hại của chính bản thân mình để hành động luôn phải song hành và hướng tới lợi ích chung của đất nước - đó là Bức thông điệp từ các nhà quản lý thị trường đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS trước thềm năm mới 2011.

Cafeland.vn - Theo Báo Xây Dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland