21/11/2011 12:36 AM
Thị trường bất động sản èo uột, cộng thêm chính sách tiền tệ chặt chẽ khiến không khí đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội thêm phần tẻ nhạt. Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm nhưng toàn thành phố mới thu được hơn 522 tỷ đồng từ đấu giá đất, chỉ bằng 1/5 so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Thị trường bất động sản trầm lắng: Đấu giá đất vạ lây
Bối cảnh thị trường bất động sản năm 2011 không thuận lợi
cho đấu giá quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)
Đóng băng và trì trệ

Đầu năm 2011, TP Hà Nội đã lên kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tại 30 dự án với tổng diện tích 17,96ha, dự kiến thu về cho ngân sách 2.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như những phân khúc khác của thị trường bất động sản, hoạt động đấu giá đất cũng trầm lắng và ế khách như căn hộ chung cư hay đất nền dự án. Thống kê tới giữa tháng 11-2011 của Sở TN-MT cho thấy, đã qua gần 11 tháng nhưng toàn thành phố mới có 8 đơn vị tổ chức đấu giá được... 3ha đất, thu được 522,6 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch. Đạt kết quả cao nhất lại là các huyện ngoại thành, nơi thị trường vốn kém sôi động như Đông Anh, Gia Lâm, Mỹ Đức, Đan Phượng... Trong khi đó, nhiều quận, huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh, thường giữ vị trí ở tốp đầu trong đấu giá đất, có năm thu hàng nghìn tỷ đồng như Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm... đến nay vẫn chưa đấu giá được phiên nào. UBND quận Cầu Giấy cho biết, những năm trước, khi thị trường sôi động, quận này đã tổ chức rất thành công nhiều phiên đấu giá đất, thu về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay, do thị trường bất động sản đang chững lại nên việc tổ chức đấu giá đất gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng người đăng ký tham gia đấu giá thường không đạt đủ số người theo quy định.

Thừa nhận tình hình đấu giá đất khá trì trệ, Giám đốc Sở TN-MT, ông Vũ Văn Hậu cho rằng, kết quả đấu giá đất đạt thấp là do các quận, huyện, thị xã chưa chủ động triển khai đấu giá theo kế hoạch được giao. Một số quận, huyện, sở, ngành còn lúng túng khi thực hiện quy định mới của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Bản thân quy định mới này (Nghị định 17/NĐ-CP) đã được ban hành từ đầu năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành. Thế nên, nhiều nơi kêu vướng mắc về thủ tục, không tự xoay xở được để tổ chức các phiên đấu giá. Bằng chứng là hiện có 5 dự án (dự kiến thu 206 tỷ đồng) đã đủ điều kiện nhưng chưa thể đấu giá do các huyện chưa thành lập được Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy định. Giám đốc Sở TN-MT chia sẻ với các quận, huyện: “Thị trường trầm lắng kéo dài cũng là nguyên nhân chính khiến đấu giá đất vắng khách...”.


Rà soát mới nhất của Sở TN-MT cho biết, toàn TP đang có 24,8ha đất đã đủ điều kiện tổ chức đấu giá. Trong số này, có 17 dự án đã hoàn thành GPMB và hạ tầng kỹ thuật, tại các quận, huyện Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh, Hà Đông, Thanh Trì... có thể đấu giá ngay với dự kiến thu 1.453 tỷ đồng. Thế nhưng, đây cũng mới chỉ là “điểm danh” trên lý thuyết. Nếu thị trường không chuyển biến tích cực, các phiên đấu giá đất sẽ rất khó thành công.


Không “cố đấm ăn xôi”

Đại diện một số quận, huyện cho rằng, không nên “cố” để hoàn thành, “làm đẹp” kế hoạch đề ra từ đầu năm mà tổ chức đấu giá đất bằng mọi giá. Việc đề ra kế hoạch từ đầu năm là dựa trên những dự báo, nay nếu tình hình thực tế không diễn biến có lợi mà vẫn cố làm thì chẳng những không hiệu quả mà có khi còn làm thiệt hại cho Nhà nước. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, giá đất giảm ở nhiều nơi, nếu cứ “cố đấm ăn xôi”, tổ chức hàng loạt các phiên đấu giá đất, sẽ có 2 khả năng. Một là các phiên đấu giá sẽ thất bại, không tổ chức được vì không đủ lượng người đăng ký tham gia. Chuyện này đã từng diễn ra nhiều lần ở các thời điểm thị trường suy giảm những năm trước. Khả năng thứ hai là vẫn tổ chức đấu giá được nhưng giá trúng chắc chắn sẽ đạt rất thấp, chỉ tương đương giá sàn. Như vậy, dù có thu được tiền về ngân sách nhưng hiệu quả của phiên đấu giá sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.


Hiện nay, do thị trường bất động sản xuống dốc, hoạt động xây dựng tại các khu đất đấu giá càng thêm im ắng. Nhiều thửa đất đấu giá trị giá hàng chục tỷ đồng ở Khu đô thị mới Cầu Giấy, Vạn Phúc, Việt Hưng… vẫn dành... nuôi cỏ từ vài năm nay. Phó Chủ tịch UBND một quận nội thành than thở: “Hạ tầng đã xong từ lâu, đường sá tốt, thủ tục giấy tờ cũng ưu tiên giải quyết rất nhanh, không có bất cứ phiền hà gì vì đây là đất đấu giá, rất “sạch sẽ” rồi. Thế nhưng họ vẫn không xây dựng, bỏ đất hoang đó. Có lẽ do họ chưa có nhu cầu ở hoặc chỉ mua để đầu tư, mua đi bán lại. Chúng ta đã bán nguyên liệu thô nên buộc phải chấp nhận thôi...”.
Chủ đề: Đất đấu giá
Theo Chính Trung (ANĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.