Thị trường BĐS bị nhận định đang trải qua thời kỳ suy thoái gần như toàn diện. Ảnh: Quỳnh Mai
Nhà phố, đất nền dự án đồng loạt giảm giá
Những diễn biến mới nhất trên thị trường BĐS, đó là phân khúc thị trường nhà phố trong các quận nội thành TPHCM và phân khúc thị trường đất nền trong các dự án ở KĐT mới Nam Sài Gòn và Đông Sài Gòn giá sụt giảm rất nhanh trong vài tháng qua. Chính sự sụt giảm giá của 2 phân khúc kể trên khiến cho một số chuyên gia tin rằng, thị trường BĐS đang suy thoái một cách toàn diện. Bởi 2 phân khúc này trong các giai đoạn khó khăn trước đây của thị trường BĐS hầu như không bị ảnh hưởng, giá chỉ đứng một thời gian rồi sau đó đi lên, chứ không đi xuống trên diện rộng như diễn biến của thị trường hiện nay.
Một lý do nữa để tin rằng thị trường đang suy thoái toàn diện, đó là mặt bằng kinh doanh thương mại trong các TTTM và mặt bằng lẻ trên các trục đường lớn cũng đang có tỉ lệ bỏ trống cao chưa từng thấy và cho thuê giảm giá nhanh.
Trước diễn biến của thị trường, một số sàn giao dịch BĐS đang chuyển hướng sang làm môi giới mua bán nhà phố. Một số sàn chuyên môi giới mua bán nhà phố như ACB, Edenreal đang làm ăn phát đạt bởi số lượng giao dịch tăng cao trong thời gian qua. Giá nhà phố trong các quận nội thành sụt giảm khiến nhiều khu vực giá nhà nếu tính theo diện tích sử dụng chỉ cao một ít so với giá bán căn hộ chung cư cùng khu vực. Tại các sàn môi giới giao dịch nhà phố, có nhiều trường hợp chào bán nhà mặt tiền với mức giá lỗ từ 2 -5 tỉ đồng so với giá mua trước đây...
Sở dĩ thị trường nhà phố đang có hoạt động giao dịch sôi nổi, một phần do áp lực NH, một tỉ lệ đáng kể những căn nhà niêm yết tại khu vực nhà cần bán nhanh thuộc diện thế chấp NH, có nguy cơ bị giải chấp. Ngược lại với phân khúc thị trường nhà phố đang giao dịch sôi động, thị trường đất nền dự án ở các khu đô thị mới ven khu trung tâm Sài Gòn lại ảm đạm chợ chiều mặc dù giá giảm mạnh.
Theo chuyên gia Lâm Văn Chúc, nguyên nhân một phần là do thị trường đất nền trong các dự án người mua trước đây chủ yếu là giới đầu tư, nay với diễn biến khó khăn, giới đầu tư mới không nhập cuộc, khiến thị trường mất động lực, mất thanh khoản một cách trầm trọng.
Điểm nghẽn thị trường văn phòng và căn hộ
Phân khúc thị trường nhà phố, giảm giá đã kích hoạt làm gia tăng khối lượng giao dịch, ngược lại thị trường căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê giảm giá, nhưng sức tiêu thụ vẫn không thể tăng lên. Những báo cáo mới nhất về thị trường căn hộ tiếp tục cho thấy một hình ảnh không mấy sáng sủa, số lượng căn hộ tồn đọng trên thị trường xấp xỉ 90.000 căn.
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo tình trạng giảm giá căn hộ hàng loạt chỉ càng làm thị trường căn hộ xấu hơn. Các chủ đầu tư buộc phải tham gia một cuộc chạy đua giảm giá bán để kéo khách hàng. Để giảm giá bán, các chủ đầu tư phải cắt giảm giá đầu vào, trong đó không loại trừ cắt giảm một phần chi phí cho việc xây dựng. Người tiêu dùng sẽ đặt một dấu hỏi lớn về chất lượng của những dự án giảm giá.
Thêm vào đó, sự mất niềm tin cũng của người tiêu dùng càng khiến cho thị trường căn hộ thêm bi đát. Một loạt các vụ tranh chấp liên quan đến chất lượng căn hộ, chủ đầu tư không giữ đúng cam kết về thời điểm bàn giao căn hộ (chủ yếu do khó khăn tài chính của chủ đầu tư – PV) khiến cho những dự án chưa hoàn thành khó có thể thu hút được khách hàng...
Những nhận định của các Cty nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, trong thời gian tới chưa có dấu hiệu tích cực cho phân khúc thị trường căn hộ. Những suy thoái của thị trường BĐS trong thời gian qua có thể cảm nhận sớm nhất do diễn biến của thị trường văn phòng cho thuê. Vào lúc cực thịnh của thị trường BĐS, giá cho thuê văn phòng hạng A ở TPHCM từng ghi nhận kỷ lục 100USD/m2/tháng, nhưng đến thời điểm hiện nay giá cho thuê bình quân của văn phòng hạng A chỉ còn khoảng 35% so với thời cực thịnh.
Tương tư, văn phòng hạng B, hạng C đều có mức giảm trên 50 %. Giá giảm nhưng tỉ lệ lấp kín ngày càng hạ thấp. Nhiều cao ốc văn phòng đưa vào sử dụng từ 12 đến 24 tháng vẫn chưa lấp đầy 50% diện tích...
Chưa bao giờ thị trường BĐS lại xấu như hiện nay, đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia, tất cả các phân khúc của thị trường đều suy thoái về giá và khối lượng giao dịch. Các chuyên gia nhận định, trong tương lai gần, thị trường BĐS rất khó có khả năng cải thiện.