Thời gian gần đây, với việc ra đời các chính sách, nghị định mới như: Nghị định 69, Nghị định 71, Thông tư 13, Thông tư 19 đã làm cho thị trường bất động sản gần như “nghẹt thở” khi phải chịu chi phối của quá nhiều luật định. Tình hình này chắc hẳn sẽ còn “căng” hơn nữa khi thông tư 13, bắt đầu có hiệu lực vào ngày mai 01/10/2010.

Từ “chết ” doanh nghiệp…

Nghị định 69: Quy định về thu tiền sử dụng đất 100% theo giá thị trường khiến cho giá đất tăng cao. Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải tăng chi phí kéo theo đó là giá bất động sản cũng sẽ tăng lên. Cuối cùng, tất cả đều tính vào giá thành sản phẩm và người phải gánh chịu sẽ vẫn là khách hàng, các nhà đầu tư. Còn trong trường hợp doanh nghiệp tính toán nếu thu không đủ chi, họ buộc phải dừng, không triển khai dự án. Doanh nghiệp dứng trước nguy cơ phá sản.

….Đến nhà đầu tư

Nghị định 71 : Siết chặt việc mua bán bất động sản. Quy định này khiến các nhà đầu tư thứ cấp, cá nhân,…đã gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bán nhà trên giấy khó có thể diễn ra như trước đây nữa, và chính điều này đã làm cho thị trường ảm đạm hơn, giao dịch èo uột hơn,… Việc giao dịch mua bán bằng hợp đồng góp vốn chiếm tỷ lệ rất lớn trong giao dịch trên thị trường bất động sản trong thời gian qua, giờ đây đã bị hạn chế.


Trụ sở ngân hàng nhà nước Việt Nam

“Chết…hết”!!

Thông tư 13: Tăng hệ số rủi ro từ 100% lên 250% đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản .Với việc gia tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản lên 250%, đồng thời tăng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng lên 9% sẽ dẫn đến việc vay vốn mua nhà sẽ khó khăn hơn, vì các ngân hàng sẽ phải thu hẹp tín dụng trong lĩnh vực này để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, mua bán bất động sản hiện nay được sử dụng khá nhiều từ vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, trong Thông tư 13 còn quy định nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức khác.

Thông tư 19: Liều thuốc hồi sinh?

Hôm 27/09 vừa qua, Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 19 sửa đổi một số điểm mấu chốt của Thông tư 13. Cụ thể, quy định lại nguồn vốn huy động gồm: Tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn; Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng), kỳ hạn 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Thông tư 13) và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài; Vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.

Tuy nhiên, theo thông tư 19 thì hệ số rủi ro trong đầu tư bất động sản gần như giữ nguyên ở mức 100% lên 250%. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây được coi như van tín dụng hạn chế nguồn tiền vào thị trường bất động sản. Việc này cũng gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư khi thực hiện dự án bởi họ sẽ không dễ dàng để tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Dự án SunView Apartment đang được khởi công

Các ý kiến ủng hộ

Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Nghị Định 71 sẽ thanh lọc thị trường, những quy định chặt chẽ sẽ loại khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp không có tính chuyên nghiệp cao, năng lực tài chính thấp

Về dài hạn, câu chuyện điều chỉnh hệ số an toàn vốn và phòng tránh rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng lại là rất tốt.Nó sẽ khiến thị trường bất động sản phát triển bền vững, chuyên nghiệp, hạn chế đầu cơ. Từ đó nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng sẽ tập trung vào các kênh có độ rủi ro thấp hơn như các hoạt động sản xuất , Ông Vũ Cương Quyết - TGĐ Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho biết.

Để kết lại câu chuyện, phóng viên cafeland.vn xin trích dẫn ý kiến của Nick Nguyễn Đình Bình, bày tỏ quan điển của mình trên diễn đàn VnExpress: Cùng một khối lượng tiền tệ nhất định nếu qua nhiều tầng nấc trung gian rồi mới tới nơi người sử dụng cuối cùng sẽ làm gia tăng chi phí sử dụng vốn một cách bất hợp lý và ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính. Việc dùng thị trường tiền tệ để tài trợ cho thị trường vốn là một hành động hết sức rủi ro mà thực chứng qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và mới đây 2007-2008. Nên việc NHNN vẫn giữ nguyên hệ số rủi ro 250% cho vay đầu tư chứng khoán trong TT-13 thể hiện một thái độ tương đối rạch ròi và lập trường cứng rắn. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên của NHNN bởi không nên vì lợi ích của nhóm thiểu số mà ảnh hưởng đến lợi ích của toàn cục.

Đăng Thy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland