Vượt nhiều chỉ tiêu đề ra...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành xây dựng vừa được tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2015, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt khoảng 974.000 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014). Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2015 đạt khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 10,82% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 5,9% GDP và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Trên thị trường bất động sản, năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công, tăng gần 1,7 lần so với 2014; tại TP. HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công, tăng 1,8 lần so với 2014. Tính đến ngày 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước đã giảm 77.659 tỷ đồng, còn khoảng 50.889 tỷ đồng (giảm 60,41%) so với quý I/2013.
Trong năm 2015, Bộ Xây dựng đã tập trung soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản có những nội dung đổi mới, mang tính đột phá được thị trường đánh giá cao, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, đáng kể là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật khác.
...nhưng sức cạnh tranh còn yếu
Bên cạnh bức tranh rất đẹp của thị trường năm qua, ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai các hoạt động của ngành xây dựng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp; tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ thi công vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ quản lý đầu tư xây dựng vẫn còn chậm.
Đối với công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị ở một số nơi còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP có nơi còn thiếu quyết liệt; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.
Công tác phát triển nhà ở tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được các DN tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số nơi còn nhiều bất cập.
Sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Năm 2016, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, là một năm bản lề của nền kinh tế, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Với ngành xây dựng, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc ban hành các thông tư để cụ thể hóa các nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Đây là một trong những tồn tại được nhiều ý kiến nhắc đến.
Vấn đề thứ hai là cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là điểm sáng khi chỉ 3 năm thực hiện đã đạt 98%, tuy nhiên công tác quy hoạch chi tiết đô thị thì mới đạt khoảng 35% - một con số rất thấp.
Thứ ba, kiên trì thực hiện các giải pháp về kiểm soát phát triển thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Dũng, đây là vẫn đề bức thiết khi ngay tạo các khu vực đô thị hiện nay, có tới 80% người dân cần hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, đây là kế hoạch lâu dài, mất nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều nguồn lực, không thể vội vàng, nôn nóng.
Do đó, trước mắt cần phải tiếp tục tái cơ cấu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm hướng đến đa số người tiêu dùng, tập trung hướng các chủ đầu tư bất động sản phải tự tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, không chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp, mà chuyển dần sang phân khúc trung bình, giá rẻ đang có nhu cầu lớn.
“Thị trường đã hồi phục và qua nghiên cứu, chưa có nhiều yếu tố để hình thành bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, có các giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển một cách bền vững”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh Năm 2016 là một năm hết sức quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi vừa là năm đầu tiên cho giai đoạn phát triển 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đặt ra, đặc biệt khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Do đó, ngành xây dựng cần phải có sự chủ động, lường trước tình hình, nắm bắt thực tế để triển khai các kế hoạch cho phù hợp. Trong đó, phải nhanh chóng rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo khuôn khổ cho thị trường vận hành. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng phân khu đô thị để quản lý cho tốt, đúng chỉ tiêu kinh tế xã hội. Đặc biệt, phải quan tâm tới công tác chỉnh trang văn minh đô thị, tránh để xảy ra các tình trạng xây dựng trái phép, vượt tầng như tại Dự án 8B Lê Trực thời gian vừa qua. Với phát triển nhà ở xã hội, các chính sách hiện tại vẫn chưa thực sự hỗ trợ tốt cho người mua nhà. Kể cả với nhiều người có mức thu nhập trung bình cũng khó có khả năng tham gia để mua tại nhà tại nhiều dự án nhà ở xã hội. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh về mặt cơ chế để cho loại hình sản phẩm mang tính an sinh này phát triển ổn định trong dài hạn. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, hiện các thủ tục, quy trình được cấp phép nhà ở xã hội còn rất phức tạp, kéo dài, lợi nhuận lại không cao, nhà đầu tư mất tính tự chủ nên chưa hấp dẫn. Ngoài ra, có sự chênh lệch giá với nhà ở thương mại do được hưởng nhiều ưu đãi nên dễ nảy sinh tiêu cực, phân phối không đúng đối tượng, đòi hỏi sự kiểm tra giám sát nghiêm ngặt. Chẳng hạn như tình trạng mua đi bán lại, mặc dù có quy định 5 năm mới được quyền chuyển nhượng, nhưng trong thực tế, nhiều người lách luật bằng giấy viết tay, cho ở nhờ… Do đó, cần thay đổi phương thức đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường và Nhà nước tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua. Nhà nước không miễn giảm bất cứ khoản thuế phí nào cho chủ đầu tư. Doanh nghiệp hoàn toàn đầu tư dự án như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ phần trăm nhất định (20 - 50% tùy từng dự án) theo quy hoạch để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích 25- 45 m2/căn hộ. Toàn bộ khoản thu từ khoản miễn giảm trước đó cho chủ đầu tư, Nhà nước đưa vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội để trực tiếp hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay dài hạn… |