25/04/2012 11:20 AM
Năm 2011 được biết đến là một năm suy thoái kéo dài của thị trường BĐS, gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Giá BĐS có dấu hiệu chạm đáy, thiếu vốn đã khiến thị trường này gần như đóng băng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, những khó khăn này cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và nhà đầu tư cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, thanh lọc lại thị trường BĐS, kiện toàn bộ máy để hình thành một thị trường chuyên nghiệp hơn, đưa BĐS về gần nhất giá trị thực.

Quý I trầm lắng

Theo ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng BIDV, trong quý I-2012, tình hình kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực như tỷ lệ lạm phát theo năm tiếp tục giảm, lãi suất giảm dần, thị trường ngoại hối và vàng ổn định hơn, thị trường chứng khoán phục hồi khá... Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, những khó khăn, thách thức với nền kinh tế cũng tiếp tục lộ rõ, tình trạng sản xuất đình trệ, tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất 3 năm qua, sức mua nội địa giảm, hàng tồn kho tăng mạnh, đặc biệt là ở các ngành xây dựng... môi trường kinh doanh xấu đi nghiêm trọng. Riêng về thị trường BĐS, 350 sàn giao dịch đều vắng khách, dù có rục rịch trở lại trong tháng 3-2012. Giá BĐS ở các phân khúc đều tiếp tục giảm. Các nhà đầu tư ngắn hạn rút lui, thay thế bằng nhà đầu tư dài hạn. Việc thiếu hụt nguồn vốn đang khiến nhiều dự án lớn bị tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thi công.
Lý giải nguyên nhân của sự vắng lặng này, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là do tình trạng đầu cơ tràn lan, hoạt động không theo quy luật cung cầu đã diễn ra từ trước đó. Chủ đầu tư cạn vốn trong khi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt hơn. Hoạt động của thị trường chưa chuyên nghiệp cùng hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện khiến các nhà đầu tư đánh mất niềm tin. Các nhà đầu tư cá nhân có khả năng mua lại mang tâm lý chờ đợi, nghe ngóng.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thẳng thắn nhận định, hiện còn 6 vấn đề cơ bản gây khó khăn cho quá trình phát triển thị trường BĐS. Trong đó, vấn đề lớn nhất thuộc về thể chế, văn bản quy phạm pháp luật. Tính sơ bộ, ở Việt Nam có khoảng 10 luật liên quan đến thị trường BĐS. Tiếp đó, thời gian qua, thị trường BĐS phát triển song chưa gắn với các chiến lược, định hướng và kế hoạch cụ thể, gây mất cân bằng cung – cầu. Ngoài ra, hệ thống tài chính tín dụng cũng chưa được hoàn thiện, thiếu các nguồn vốn trung hạn và dài hạn. Theo một khảo sát gần đây của ACB với doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khoảng 30% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng, trong đó 70% doanh nghiệp cho rằng do thủ tục rườm rà, 36% cho rằng lãi suất cao. Tuy nhiên, chính năng lực của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế như sự thiếu minh bạch về thông tin tài chính, không có định hướng và năng lực xây dựng chương trình kinh doanh dài hạn...
Khả năng phục hồi trong quý II?
Nhận định về tình hình BĐS trong quý II-2012, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS có thể hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu kinh tế chung, do đó sẽ có cơ hội phục hồi nguồn cung và cầu thị trường. Ngoài ra, mô hình Quỹ tiết kiệm phát triển nhà, quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở dự kiến tháng 4 trình Chính phủ sẽ là công cụ thúc đẩy nguồn cầu thị trường. Các mô hình khác như tái thế chấp cho nhà ở xã hội cũng là những kênh huy động vốn hiệu quả, giúp tăng nguồn cung, tháo gỡ khó khăn về vốn hiện nay.
Đặc biệt, nhằm giải quyết những khó khăn cho thị trường, ngay khi kinh tế vĩ mô có dấu hiệu ổn định, NHNN đã chính thức hạ lãi suất trần huy động lần thứ 2 trong 1 tháng, xuống 12%/năm từ ngày 11-4, tạo nền tảng để kéo thấp lãi suất đầu ra cho vay với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là việc mở rộng tín dụng cho đồng thời nhiều cửa trong hoạt động kinh doanh. Như vậy, thị trường BĐS đang nhận được nhiều trợ lực để khởi sắc trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Ninh cũng nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quan trọng mang tính chất định hướng phát triển thị trường BĐS và nhà ở thời gian tới, đó là chỉ thị 2196/CT-TTG về tăng cường quản lý, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển và quyết định 2127/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới, việc tập trung hoàn thiện thể chế sẽ được đặt lên hàng đầu. Từ năm 2013-2014, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng Luật đô thị, sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS. Trong đó, rà soát các dự án thực hiện tái cơ cấu, khuyến khích tăng sản phẩm nhà ở có quy mô nhỏ. Trong quý II, Bộ cũng sẽ hoàn thiện Nghị định quản lý phát triển đầu tư nhà ở đô thị để trình Chính phủ.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.