26/09/2012 4:51 PM
Trong khi doanh nghiệp thép nội không có đầu ra, tiêu thụ giảm mạnh thì thị trường lại đầy rẫy thép ngoại, đặc biệt là thép giá rẻ Trung Quốc.
Ảnh: Hoàng Long
Thép ngoại chiếm lĩnh thị trường
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nỗi lo thua lỗ đang ám ảnh các doanh nghiệp, tình cảnh khó khăn đang bao trùm toàn ngành. Thậm chí một số doanh nghiệp đành chấp nhận bán cả thương hiệu. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế đình trệ, thép gặp khó do bất động sản đóng băng. Ngoài ra còn do sự cạnh tranh gay gắt của thép ngoại, mà chủ yếu là thép Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch VSA cho biết, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam là loại thép phi 6 và phi 8, trong đó thép của Trung Quốc chiếm phần lớn. Có thời gian, các nhà nhập khẩu Việt Nam lợi dụng nhập khẩu thép phi 6, phi 8 cho thêm hợp chất Bo và khai là thép hợp kim để hưởng lợi thuế. Lúc ấy, thép cuộn thuế nhập khẩu là 12 đến 15% còn thép hợp kim là 0%. Cũng loại thép này không có quy định in thương hiệu nên khi nhập khẩu vào Việt Nam rất dễ bị lẫn lộn. Ông Nghi cũng cho biết thêm, loại thép này nhập khẩu về tiêu thụ ở đâu, như thế nào thì cho đến nay chưa có cơ quan nào giám sát, theo dõi.
Còn Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết: Lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua là 137.500 tấn, cao gấp 5 lần so với lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong cả năm 2011, gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất thép trong nước. Hiện lượng thép tồn kho của Trung Quốc rất cao do nhu cầu thép thế giới sụt giảm, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xuất khẩu thép sang Việt Nam và các nước ASEAN khác.
"Việc lấn sân của thép ngoại khiến cho bức tranh sản xuất của doanh nghiệp nội đã khó lại thêm phần khốn đốn. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đã phải giảm sản suất và dừng dây chuyền. Điều này báo hiệu không bình thường so với năm trước đây. Trong số 70 DN sản xuất thép trong nước, dù chưa có giấy tờ khẳng định phá sản, nhưng có 5-6 DN gần như chết hẳn, không sản xuất gì trong mấy tháng nay. Còn loại gặp khó khăn giảm sản lượng, giảm lương (chỉ trả 70%), cắt giảm lao động, cũng khoảng 15 DN” – lãnh đạo VSA cho biết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngành thép, số DN thép "chết lâm sàng” hiện nay có thể gấp đôi con số của VSA thông báo, lên khoảng 10-12 DN.
Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Cty thép Tây Đô cũng lo ngại: "Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng sản phẩm thép của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Riêng thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam bán với giá thấp hơn nhiều so với thép trong nước, khoảng 400-500 nghìn đồng/tấn. Giá thép tính cả VAT khoảng 14.500 triệu đồng/tấn thép cuộn. Tương lại không xa, kể cả thép thanh, vằn, chắc chắn họ sẽ ập vào bóp nghẹt thép nội”.
Khó chồng khó
Nhưng không chỉ có sản phẩm thép Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mà nhiều dự án sản xuất phôi thép cũng đã xuất hiện. Và đương nhiên tất cả chúng có 1 điểm chung: công nghệ ngoại nhập đã qua sử dụng.
Ngoài một số doanh nghiệp có tên tuổi như Việt - Nhật, Việt - Úc, Posco,... số còn lại công suất ở dạng "mi-ni” (quy mô 300 - 500 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư chừng 1.000 tỷ đồng), dây chuyền cũ, thiếu đồng bộ, nhập khẩu với giá "thanh lý”, chỉ cho ra sản phẩm thép xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Cơ khí, luyện kim và hóa chất, Bộ Công thương đã từng cho biết, các dự án đều nhập 100% thiết bị máy móc của Trung Quốc, sử dụng lò cao dung tích nhỏ từ 500m3 trở xuống, đa số từ 185-220m3. Đây đều là những công nghệ đã lỗi thời của thế giới.
Cũng theo tính toán của Bộ Công thương, nếu tất cả các dự án thép đã được cấp phép, kể cả trong và ngoài quy hoạch, được triển khai đúng quy mô, công suất thiết kế, đạt sản lượng 35,29 triệu tấn/năm thì tới năm 2020 lượng cung sẽ gấp 1,5 – 1,8 lần cầu về thép. Sản xuất thép vượt quá nhu cầu, với công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là tại các dự án ngoài quy hoạch làm mất cân bằng năng lượng của Việt Nam. Ngành thép rất khó cạnh tranh. Và thực tế đã dẫn chứng rằng, chưa cần đến 8 năm nữa, giờ ngành thép nội đang chật vật với gánh nặng tồn kho và hàng ngoại nhập.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn đang rất lớn và ngày càng tăng. 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc là 18,2 tỷ USD, trong đó, nhập siêu lên tới 10 tỷ USD. Việt Nam không nhập những mặt hàng tiêu dùng mà còn nhập cả máy móc, công nghệ, lựa chọn đối tượng cung cấp là Trung Quốc vì giá rẻ. "Đó là bẫy của thương mại tự do khiến chúng ta luôn nằm ở đáy cạnh tranh”- ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài việc năng suất hàng hóa làm ra không tốt gây tàn phá môi trường thì nhiều hàng sản xuất của Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, do vậy khi có biến động từ thị trường này tác hại sẽ dội ngược lại nội địa.
Theo Hồ Hương (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.