22/11/2012 1:49 PM
Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm sẽ tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc chủ động xử lý tài sản bảo đảm và hoàn thiện quy trình, chính sách quản lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu của các TCTD, tăng khả năng thanh khoản của tài sản bảo đảm và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng.

Phao “cứu sinh” cho ngân hàng

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng gồm 4 chương, 15 Điều quy định chi tiết về cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm nhằm cụ thể các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Điều này tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc chủ động xử lý tài sản bảo đảm và hoàn thiện quy trình, chính sách quản lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu của các TCTD, tăng khả năng thanh khoản của tài sản bảo đảm và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng.

Hiện nợ xấu một phần do BĐS đóng băng. (Ảnh: TK)

Theo Bộ Tư pháp, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm bước đầu đã có những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm nên các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm; sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...

Để có thể xử lý được tài sản bảo đảm và thu hồi nợ, bên nhận bảo đảm thường phải lựa chọn con đường tố tụng. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm theo con đường tố tụng mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm. Trong nhiều vụ việc, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện, nhưng vẫn không đảm bảo chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tế.

“Thực tế này đòi hỏi phải có Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo – Bộ Tư pháp lý giải.

Bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp

Liên quan đến việc thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp quy định tại Điều 20 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (Điều 1), Dự thảo Thông tư hướng dẫn, trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp.

Việc thu hồi tài sản thế chấp theo quy định tại Dự thảo Thông tư áp dụng đối với cả trường hợp chưa đến hạn xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể, bên nhận thế chấp gửi văn bản yêu cầu bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho tài sản giao lại tài sản thế chấp để xử lý với lý do việc mua bán, trao đổi, tặng cho không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Văn bản gửi cho bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho tài sản thế chấp phải xác định rõ tài sản thế chấp, thời hạn và địa điểm giao nhận tài sản thế chấp.

Trường hợp bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho giao tài sản thế chấp theo đúng yêu cầu của bên nhận thế chấp thì các bên lập biên bản bàn giao tài sản, có chữ ký, con dấu (nếu có) của các bên. Trường hợp bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho không giao tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoặc khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

UBND có trách nhiệm hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm

Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và trách nhiệm của UBND trong việc hỗ trợ người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP (Điều 5).

Cụ thể, trước ngày dự định thu giữ tài sản ít nhất 15 ngày, người xử lý tài sản gửi văn bản thông báo trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho người giữ tài sản bảo đảm về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do thu giữ, thời hạn, địa điểm bàn giao tài sản bảo đảm, biện pháp thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Khi có văn bản thông báo này, người giữ tài sản bảo đảm có trách nhiệm giao tài sản bảo đảm, các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (nếu có) cho người xử lý tài sản trong thời hạn đã thông báo. Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là bên thứ ba, người xử lý tài sản thông báo cho bên bảo đảm phối hợp thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật buộc người giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm để xử lý.

Nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà người giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản và các giấy tờ, tài liệu chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, người xử lý tài sản có quyền tổ chức thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm. Người xử lý tài sản có quyền đề nghị UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm hỗ trợ thu giữ tài sản. Việc thực hiện thủ tục đề nghị UBND cấp xã cũng được hướng dẫn chi tiết tại Điều 5 dự thảo Thông tư.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND trong việc hỗ trợ người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, ví dụ như: cử cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp chứng kiến việc thu giữ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự theo đề nghị của người xử lý tài sản bảo đảm. Cán bộ được UBND cử đến phải có mặt tại địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm trong thời gian bên nhận bảo đảm tiến hành thu giữ và ký tên vào biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

Trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta hiện nay, dư nợ tín dụng khoảng 2.700.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng thể lại thì tất cả các khoản nợ mà có tài sản đảm bảo bằng bất động sản nó chiếm tới khoảng 46%. Nếu ở đây có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp để giải quyết vấn đề này thì chúng tôi cho rằng chúng ta có thể giải quyết được một khoản rất lớn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn Quốc hội

Theo Trần Hương (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.