Ngày 24-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Nhiều ưu đãi
Trình bày về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết luật hiện hành chưa quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển đối với từng loại nhà ở.
Điều này dẫn tới tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào mà không theo quy hoạch, kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp và hộ nghèo nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp. Hơn nữa, cũng chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Ngoài ra, do chưa có quy định về thời gian sử dụng nhà chung cư nên nhà nước không có cơ sở pháp lý để di dời, phá dỡ và xây dựng lại nhà ở mới khi chung cư hư hỏng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Việc không có quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nên chưa tạo điều kiện để giảm giá bán nhà ở.
Ông Dũng khẳng định những bất cập nêu trên sẽ được khắc phục trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật mới sẽ chú trọng tới phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở (bao gồm nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội). Trong tương lai, các định chế tài chính phát triển nhà ở phù hợp sẽ hình thành để các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho mục đích cải thiện nhà ở.
Đặc biệt, dự thảo cũng quy định yêu cầu chính quyền địa phương phải quy hoạch các khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.
Không bắt buộc giao dịch qua sàn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi, ông Trịnh Đình Dũng thừa nhận luật hiện hành quy định quá dễ dàng về điều kiện của người kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dẫn đến tình trạng đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh nên làm ăn “chụp giật”, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn góp phần làm lũng đoạn thị trường, gây ra những “cơn sốt ảo” để kiếm lợi…
Chính vì thế, luật sửa đổi sẽ quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường này.
Đáng chú ý, dự thảo sẽ mở rộng cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.
Báo cáo thẩm tra dự án luật do ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày cho biết hầu hết ý kiến tán thành với quy định này nhằm tạo điều kiện cho bên thuê BĐS chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp.
“Do vậy, đề nghị cần có các quy định chặt chẽ trong dự án luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua BĐS” - ông Giàu nói.
Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với đề xuất bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch. “Trên thực tế, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể quảng cáo, chào hàng, bán trực tiếp cho khách hàng mà không thông qua sàn giao dịch BĐS. Việc lựa chọn giao dịch qua sàn giao dịch BĐS hay không do doanh nghiệp và khách hàng quyết định. Dự thảo cũng có các quy định bảo đảm công khai, minh bạch về thông tin thị trường BĐS nhằm bảo vệ khách hàng, bảo đảm sự quản lý của nhà nước” - ông Giàu cho biết.
Tăng cường kiểm soát công trình xây dựng Thảo luận tại hội trường sáng 24-5 về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đồng ý với việc bổ sung quy định tăng cường công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn nhà nước (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán, nghiệm thu xây dựng các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước). “Quy định trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn nhà nước ngay từ đầu và trong suốt quá trình thi công xây dựng sẽ tránh được việc đầu tư lãng phí, thất thoát, không hiệu quả; đồng thời góp phần bảo đảm tiến độ chất lượng và giá thành của công trình xây dựng” - ông Hùng nhìn nhận. |