Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo giá và đấu giá quyền sử dụng đất - thực trạng và giải pháp, do Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế (IBLA) tổ chức tại TP.HCM ngày 22.12.

Khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) không đem đấu giá, bị cho là gây thất thoát tài sản nhà nước. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Thất thoát đất công

Theo luật gia Trần Đình Dũng, hiện các doanh nghiệp nhà nước quản lý một lượng đất khá lớn. Luật Đất đai quy định đất là loại phải đưa vào đấu giá, nhưng gần đây trong cổ phần hóa, đất không được kiểm soát giá và xảy ra không ít thất thoát cho tài sản công.

Vì vậy, đưa vào đấu giá công khai đất là tài sản công do doanh nghiệp nhà nước quản lý sử dụng khi giao dịch chuyển nhượng, hợp tác đầu tư, cổ phần hóa là cần thiết để tránh gây thất thoát tài sản công.

Điển hình như khu đất tài sản công số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) định giá 558 tỉ đồng nên nếu giao đất không đấu giá thì sẽ áp dụng mức giá này. Nhưng sau khi đấu giá, đã bán được 1.430 tỉ đồng, cho thấy thực tế sự chênh lệch khoản thu ngân sách khi so sánh giữa việc giao đất và đấu giá là quá lớn. Đây cũng chính là kẽ hở pháp luật để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Theo luật gia Trần Đình Dũng, một bất cập nữa là hiện các văn bản pháp luật tạo ra không ít rào cản để người có nhu cầu mua tài sản đấu giá không thể tiếp cận được với cuộc đấu giá, nhất là đối với quyền sử dụng đất.

Nhất là các hình thức phát hành và nhận lại hồ sơ đấu giá, luật chỉ quy định một hình thức trực tiếp là dán thông báo ở UBND phường, xã, thị trấn trước 15 ngày đấu giá. Trên thực tế, để có được hồ sơ đấu giá một khu đất, nhất là những “khu đất vàng”, thường phải “chạy” mới có thể có được hồ sơ dự đấu giá. Trong thực tế, với nhiều quy định còn chưa đảm bảo tính công khai đại chúng đấu giá đất, thì việc “chỉ có một người đăng ký” là rất dễ xảy ra. Khi đó, đất thay vì đem đấu giá sẽ được chuyển sang diện giao đất vì không đủ số người, tổ chức tham dự đấu giá.

Chế tài Công ty thẩm định giá đất

Theo ông Lương Chí Cường, Chi hội phó Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM, định giá nào là giá thị trường thì rất khó. Do vậy, nên có một trung tâm định giá độc lập. Căn cứ vào công khai đấu giá, ít nhất cũng đỡ thiệt hại cho người đang sử dụng.

Luật sư Nguyễn Đức Nhuần, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Q.9, cho rằng cần nghiêm cấm mọi trường hợp giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, kể cả việc thanh toán bằng quyền sử dụng đất cho các dự án. Công khai rộng rãi thông tin về đấu giá đất để các cá nhân và tổ chức tham dự đấu giá. Quy định số người (tổ chức) tối thiểu từ 3 - 5 người, tránh trường hợp như hiện nay là khi có 2 người trở lên là tổ chức đấu giá, dễ dẫn tới có “quân xanh, quân đỏ” hoặc “bắt tay” nhau để đấu giá đất.

Luật gia Nguyễn Thị Sơn, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đề xuất chế tài các công ty thẩm định giá. Đưa chứng thư thẩm định giá phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói “chỉ là để tham khảo”, trong khi chứng thư này quyết định toàn bộ tiến trình đấu giá đất. Các chuyên gia cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết riêng biệt để điều chỉnh về đấu giá đất công, bởi các điều khoản nằm rải rác trong các đạo luật liên quan tới hoạt động này không được thống nhất trong áp dụng (luật Đấu giá, luật Đất đai, luật Quản lý sử dụng tài sản công...).

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.