09/05/2013 7:44 AM
"Vấn đề cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ‘sổ đỏ’ cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở đang có nhiều vướng mắc, tồn đọng. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và TP Hà Nội là sẽ rà soát, phân loại cụ thể từng dự án. Trường hợp nào chưa rõ ràng, tạm thời để lại tìm hướng giải quyết tiếp, trường hợp nào có thể cấp được thì cấp ngay để bảo đảm quyền lợi của người mua nhà"

Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) khẳng định tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản, DN đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố do Sở TN&MT Hà Nội tổ chức ngày 8-5.

Người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở cần được bảo đảm quyền lợi.Ảnh: Như Ý

Sai và vướng đủ kiểu

Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn thành phố đang có khoảng 590.000 trường hợp mua đất, nhà dự án có nhu cầu cấp "sổ đỏ". Trong đó có gần 200.000 trường hợp đã nộp đủ hồ sơ nhưng cơ quan chức năng chưa thể cấp được vì lỗi của chủ đầu tư.

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) cho biết, có nhiều lý do khiến cho việc cấp GCN bị ách tắc. Ví dụ như tại tòa nhà Sông Đà Nhân Chính (quận Thanh Xuân) của Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (thuộc Tổng Công ty Sông Đà), theo quyết định của UBND TP Hà Nội chỉ được phép xây 56 căn hộ để bán cho cán bộ công nhân viên, nhưng công ty này đã xây tới 59 căn (tăng 3 căn so với thiết kế). Dự án này cũng bán 2 căn hộ không đúng đối tượng. Dự án 15-17 Ngọc Khánh - Ba Đình của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thăng Long GTC chưa liên hệ với Cục Thuế Hà Nội để thực hiện thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định 71/2001/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê. Công ty cũng chưa nhận bàn giao mốc giới trên bản đồ, ngoài thực địa và chưa được cấp trích lục bản đồ khu đất. Nhiều DN khác lại nợ tiền sử dụng đất, nợ nghĩa vụ tài chính hoặc chậm điều chỉnh quy hoạch. Một điểm khó nữa là nhà đầu tư chỉ là đơn vị thứ cấp nên vướng càng thêm vướng…

Đại diện nhiều DN đã nêu rất nhiều thắc mắc cũng như kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc với mục đích cuối cùng là sớm được thành phố cấp "sổ đỏ" cho người dân. Bà Dương Thị Thanh Loan - Trưởng phòng dự án Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera cho biết: Mặc dù công ty không vi phạm quy hoạch, không nợ tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính… nhưng hàng nghìn căn hộ tại các chung cư kinh doanh, chung cư thu nhập thấp cũng như nhà thấp tầng thuộc các dự án Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm), khu nhà ở Đại Mỗ, khu nhà ở Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) do DN thực hiện đến nay vẫn không được cơ quan chức năng cấp "sổ đỏ". Nguyên nhân là do trước đây công ty "mẹ" là Tổng Công ty Viglacera đã ủy quyền cho công ty "con". Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không công nhận sự ủy quyền này. Đây cũng là khó chung của nhiều DN hiện nay.

Chủ đầu tư Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra lại vướng cách khác. DN này đã nộp nghĩa vụ tài chính từ năm 2005 và người dân trong gần 1.000 căn hộ chung cư cũng như nhà thấp tầng sinh sống ổn định từ năm 2006. Vào năm 2007, thành phố yêu cầu phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính nhưng hiện phần nộp bổ sung này là bao nhiêu vẫn chưa xác định được. "Chúng tôi đề nghị cấp "sổ đỏ" cho dân sớm và cũng cam kết sẽ nộp đủ nghĩa vụ tài chính sau khi xác định được con số cụ thể" - đại diện DN này kiến nghị.

80% số trường hợp có thể cấp được

Cách đây chưa lâu, Bộ TN&MT đã có văn bản số 2470/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh việc cấp GCN tại các dự án phát triển nhà ở. Trong hướng dẫn nói trên, Bộ TN&MT khẳng định quan điểm DN, chủ đầu tư vi phạm phải chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng sẽ để lại xử lý ở bước sau và xem xét cấp "sổ đỏ" cho các trường hợp đủ điều kiện trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT, văn bản này chưa tháo gỡ được khó khăn cho Hà Nội mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng nghiên cứu, vận dụng. Khi mua nhà, người dân không thể biết chủ đầu tư nào còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước hoặc vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, thậm chí xây dựng sai phép. Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng từ lỗi của chủ đầu tư. Để gỡ được những "nút thắt" này cần có một nghị định của Chính phủ.

Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) đánh giá: "Tình hình cấp GCN đối với các dự án phát triển nhà ở đang còn tồn đọng nhiều vấn đề phức tạp. Thời gian qua, Bộ TN&MT đã cùng TP Hà Nội nhiều lần trao đổi bàn cách tháo gỡ và về cơ bản, các vướng mắc đã có hướng giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng không phải là vấn đề đơn giản bởi chủ đầu tư nào cũng có cái vướng. Tới đây cần phân loại cụ thể sai phạm tại từng dự án. Phần nào vướng quá để lại, phần nào có thể giải quyết được thì giải quyết ngay. Tôi cho rằng khoảng 80% trường hợp của Hà Nội có thể cấp được GCN".

Cũng theo ông Trần Hùng Phi, nguyên tắc chung của cơ quan chức năng là chủ đầu tư sai đâu xử đấy, nhưng ở đây những tồn tại này lại ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nên việc xử lý không đơn giản. Hiện Bộ TN&MT đang cùng các địa phương nghiên cứu phương án giải quyết phù hợp. Nhưng dù giải quyết thế nào thì việc bảo đảm quyền lợi của người dân vẫn là quan trọng nhất.
Tuấn Lương (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.