Tính đến tháng 11-2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp với khoảng 3,7 triệu m² nhà được đưa vào sử dụng (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 được đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.
Ðây là con số được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các phân tích chỉ ra rằng, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội đã bước đầu có kết quả, tuy nhiên lại chưa được như mong muốn, do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ. Khi đã có chính sách thì lại chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Bên cạnh đó, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ.
Có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo quy định của pháp luật. Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài...
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối. Việc phát triển phân khúc nhà cho thuê tuy có ưu đãi hơn so với các phân khúc khác nhưng còn chậm do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay ngân hàng thương mại ngắn hạn. Ngoài ra, tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà hơn là đi thuê.
Nhằm tháo gỡ nút thắt và có nguồn vốn triển khai chính sách nhà ở xã hội trong giai đoạn tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, Chính phủ cần ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội.
Về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ngành liên quan như Hội Kiến trúc sư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố trong phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân nhằm hình thành các khu đô thị vệ tinh dành cho người có thu nhập thấp, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để người thu nhập thấp được tiếp cận các dự án, nắm thông tin, do trên thực tế, những đối tượng này ít có cơ hội để tìm hiểu, nắm bắt. Ở góc độ doanh nghiệp, cần hình thành cơ quan quản lý phát triển nhà cấp quốc gia, thiết lập các kênh tài chính, tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, công bố giá bán cam kết nhà ở xã hội.
Nhằm tạo điều kiện khích lệ doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước cần khấu trừ chi phí bảo toàn vốn và phát sinh trong quá trình đền bù để có quỹ đất sạch vào khoảng 50 đến 60% đơn giá nhà đất tại thời điểm phê duyệt dự án.
  • Xây nhà 100 triệu ở TP.HCM: Còn nhiều băn khoăn

    Xây nhà 100 triệu ở TP.HCM: Còn nhiều băn khoăn

    CafeLand – Câu hỏi liệu TP.HCM có học tập Bình Dương xây nhà 100 triệu được hay không đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân và giới chuyên gia.

  • Khi Bí thư Thăng lên xe đi Bình Dương tìm hiểu nhà giá rẻ

    Khi Bí thư Thăng lên xe đi Bình Dương tìm hiểu nhà giá rẻ

    Từ nhiều năm qua, người dân thu nhập thấp tại TP.HCM vẫn đau đáu giấc mơ an cư. Nhà giá rẻ 100 triệu đồng ở Bình Dương là bài học đáng mơ ước, vậy nhưng vì sao TP.HCM vẫn chưa tìm được cách làm tương tự?

  • Chuyên gia: Khó xây nhà xã hội 100 triệu đồng ở TPHCM

    Chuyên gia: Khó xây nhà xã hội 100 triệu đồng ở TPHCM

    Trao đổi với Tiền Phong về việc Bí thư Đinh La Thăng cho rằng TPHCM học hỏi Bình Dương xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) 100 triệu đồng cho người thu nhập thấp, một số chuyên gia bất động sản trên địa bàn cho rằng, mô hình này rất khó áp dụng với việc quy hoạch, quản lý chồng chéo như hiện nay.

Lan Hương (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.