30 năm nữa, thủy nguyên hết núi đá
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nguồn cung XM đã vượt cầu khoảng 10 triệu tấn. Trong khi đó, thị trường bất động sản mới có tín hiệu ấm dần lên, lãi suất tuy giảm nhưng vẫn khó tiếp cận. Ðiều này dẫn tới sức ép cạnh tranh rất lớn. Chánh Văn phòng Công ty XM Vicem Hoàng Thạch Phạm Huy Thọ cho biết, khu vực miền bắc là nơi tập trung nhiều nhà máy XM, công suất lớn, có lợi thế về giá bán nên chắc chắn sức cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Một khó khăn phát sinh hiện nay là về vấn đề nguồn nguyên liệu. Công ty đang gặp khó khăn trong việc triển khai khai thác mỏ đá xuống sâu, mới được phép khai thác tới độ sâu 30 m. Ðể khai thác xuống sâu 50 m phải qua nhiều thủ tục, trong đó có thủ tục bắt buộc là phải đóng cửa mỏ và khi được cấp phép lại, mới tiếp tục được khai thác. Trong khi đó, các mỏ lộ thiên được cấp phép khai thác có chất lượng không đồng đều, do vậy, công ty phải tự chủ động tìm mua nguồn đá từ xa để phục vụ sản xuất (hiện chiếm khoảng hơn 40% sản lượng đá đầu vào), làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Theo lãnh đạo Công ty Vicem Hải Phòng, hiện trữ lượng phần nổi nguyên liệu đá vôi phục vụ cho sản xuất XM tại mỏ Tràng Kênh còn khoảng 2,5 triệu tấn, chỉ đủ sản xuất trong khoảng hai năm. Riêng năm 2013, DN đã sản xuất hơn 1,4 triệu tấn XM và như vậy, nguồn nguyên liệu hiện chỉ đủ cho sản xuất khoảng một năm nữa. Công ty đang tiến hành thủ tục xin cấp mỏ đá vôi mới. Ðể giữ ổn định sản xuất, công ty phải mua thêm nguồn đá vôi từ bên ngoài,...
Thực tế, trữ lượng đá vôi tại huyện Thủy Nguyên lớn nhất Hải Phòng, khoảng 380 triệu m3. Tuy nhiên, theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Thủy Nguyên có sáu dự án XM và theo tính toán nếu hoạt động trong vòng 50 năm với công suất như hiện nay, sáu dự án XM này sẽ "ngốn" đến 500 triệu m3 đá nguyên liệu, tức là chỉ khoảng 30 năm nữa, huyện Thủy Nguyên sẽ không còn bóng dáng một núi đá nào. Trong khi đó, một số nhà máy XM vẫn đang dự kiến tiếp tục được mở tại đây.
Giải pháp đồng bộ
Chánh Văn phòng Vicem Hoàng Thạch Phạm Huy Thọ cho biết, công ty đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ bốn giải pháp: Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, sáng kiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tập trung cho ra đời những dòng sản phẩm mới phù hợp thị hiếu của thị trường như: sản phẩm XM chuyên dụng xây trát cao cấp MC25 và sản phẩm kiềm tính đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Lắp đặt hệ thống định vị GPS để kiểm soát đường đi của sản phẩm sao cho đến tận tay người tiêu dùng. Ðổi mới phương thức bán hàng từ chiết khấu thông thường sang chế độ chăm sóc khách hàng với nhiều ưu đãi, khuyến mại hơn. Ngay tại đơn vị, các phòng, ban, phân xưởng đều được giao nhiệm vụ cụ thể theo từng tuần, từng tháng cùng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những đơn vị truyền thống trong ngành XM, trước những khó khăn về thiếu nguyên liệu, áp lực trả nợ, thiết bị cũ..., Vicem Hải Phòng cũng đang tập trung mở rộng phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và các tỉnh trong khu vực, nhất là các công trình trọng điểm lớn tại Hải Phòng, như: cảng quốc tế Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, đường giao thông nông thôn. Ðồng thời, tăng cường tiết giảm chi phí, chủ động xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thiết bị, từng bước xây dựng trạm điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung..., phấn đấu năm 2014, sản xuất và tiêu thụ hơn 2,5 triệu tấn XM và clanh-ke.
Biện pháp được các DN XM quan tâm tại thời điểm này là mở rộng, tăng cường xuất khẩu. Vấn đề này đã được bàn thảo kỹ giữa các đơn vị thành viên và Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem). Theo đó, sẽ thống nhất giá xuất khẩu trong Vicem, trường hợp các đơn vị xuất bán với giá cao hơn mức giá Tổng công ty đưa ra mới được phép ký hợp đồng xuất khẩu, nhằm bảo đảm uy tín, chất lượng của sản phẩm Vicem,... Nhằm nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu XM, theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, cần quan tâm đến hai vấn đề: Cảng lớn chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm XM bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30 nghìn tấn trở lên và sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN xuất khẩu. Tất nhiên, các DN xuất khẩu XM phải chủ động nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tăng cường hợp tác vì lợi ích của chính mình.
Ðưa khỏi quy hoạch chín dự án XM
Qua kết quả rà soát, Bộ Xây dựng đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa chín dự án XM công suất dưới 2.500 tấn clanh-ke/ngày ra khỏi quy hoạch, giãn tiến độ đầu tư bảy dự án XM sang giai đoạn sau năm 2015. Sự điều chỉnh đó đã đưa cung-cầu XM về mức hợp lý. Năm 2013, XM vẫn là mảng sáng, cả nước tiêu thụ được 61,2 triệu tấn sản phẩm XM, bằng 113,9% so với năm 2012 và đạt hơn 90% công suất thiết kế. Năm 2014 sẽ có thêm năm dây chuyền đưa vào hoạt động nhưng chủ yếu sản xuất vào quý cuối năm, trong khi năm 2015 sẽ không có dự án nào. Do vậy, sức ép tiêu thụ trong nước sẽ không tăng cao.
LÊ VĂN TỚI
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)
Tính toán kỹ tiêu hao nguyên, nhiên liệu
Nếu giá điện tăng 10 - 16%, chi phí năng lượng trong một tấn XM sẽ tăng khoảng 55-60% tùy nhà máy. Do đó, việc tăng giá điện thật sự có ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất và giá bán đến người tiêu dùng. Quan điểm của Vicem là chấp hành theo sự chỉ đạo của cấp trên, nếu chính sách đã quyết như vậy, các đơn vị liên quan cần ngồi lại bàn thảo, cùng nhau giải quyết vấn đề. Hiện tại, các nhà máy của Vicem luôn chú trọng và tăng cường kiểm soát tiêu hao nguyên, nhiên liệu và coi đây là một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh hàng đầu.
LƯƠNG QUANG KHẢI
Chủ tịch HÐTV Vicem