CafeLand - Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng 2013, ngày 25/4 tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo "Giải pháp nào để ngành Vật liệu xây dựng vượt qua cơn bão khủng hoảng" do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của trên 100 đại biểu là các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Tại Hội thảo, các nhà quản lý và doanh nghiệp đã tập trung nêu lên những giải pháp cần tháo gỡ trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt một số giải pháp mang tính quyết định để các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Trong đó có thể kể đến giải pháp kết nối từ ngành ngân hàng với chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng; lợi ích của gạch không nung so sánh với gạch đất sét nung; công nghệ sản xuất xi măng hỗ hợp Polime vô cơ- silicat từ nguyên liệu bazan phun trào; chiến lược phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp...Các doanh nghiệp cũng đã nêu lên thực trạng hiện nay của ngành vật liệu xây dựng là chất lượng, giá thành và việc sản xuất ngưng trệ một phần không nhỏ do hàng tồn kho...

Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để ngành vật liệu xây dựng vượt qua cơn bão khủng hoảng hiện nay cần tập trung một số giải pháp như: Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mặt hàng, màu sắc, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; Tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, lao động, sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường; không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, gạch granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường, gạch đất sét nung, cán thép xây dựng vì hiện nay các mặt hàng này đã đủ để cung cấp cho thị trường đến năm 2015.

Đồng thời, không đầu tư lò vôi thủ công, mà nên đầu tư lò vôi hiện đại, sản xuất vôi công nghiệp, chất lượng cao. Các doanh nghiệp cơ khí tăng cường hợp tác, tiếp thu công nghệ thế giới để chế tạo thiết bị có chất lượng cao, đồng bộ, thực hiện chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia, tiến lên chiếm lĩnh thị trường trong nước về thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vôi công nghiệp, thiết bị cho dây chuyền thu hồi nhiệt thừa của lò nung clanhke để phát điện.

Các doanh nghiệp nên chủ động tái cấu trúc lại để hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng có đủ sức mạnh về tài chính, về nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến, về quản lý sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết được nợ xấu. Cải tiến công tác kinh doanh, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước.

Hiện nay và trong các năm tiếp theo, năng lực sản xuất vật liệu xây dựng còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20- 30%, do đó phải đẩy mạnh xuất khẩu. Xi măng từ 10- 15 triệu tấn, gạch ốp lát ceamic, granit 120- 130 triệu m2, sứ vệ sinh 3- 4 triệu sản phẩm, kính xây dựng 40- 50 triệu m2, đá ốp lát 5- 6 triệu m2...đưa kim ngạch xuất khẩu lên 1,5- 2 tỷ USD, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất, phát triển sản xuát bền vững. Đồng thời, cần có chiến lược tổ chức mạng lưới xuất khẩu vật liệu xây dựng đi vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài.

Diệu Trang (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.