Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được đánh giá mang lại lợi ích rất lớn cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp (DN), cũng như là xu thế tất yếu. Song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thành công của Đề án.
Hiện có gần 90% giao dịch, kể cả qua mạng vẫn dùng tiền mặt để thanh toán. Điều này được lý giải là do thói quen, môi trường, trình độ, văn hóa… và đang là những lực cản đối với thanh toán không dùng tiền mặt.
Rào cản từ thói quen
Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010).
Những con số nêu trên cho thấy thị trường thanh toán bằng thẻ đang phát triển rất khả quan, hỗ trợ cho mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ vừa phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất để Đề án đạt được mục tiêu chính là thói quen của người tiêu dùng.
Tại một hội thảo về thanh toán điện tử, một số cơ quan quản lý đã phải thốt lên rằng thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn chậm thay đổi. Không chỉ người dân, ngay cả các DN cũng không mặn mà với hình thức thanh toán mới mẻ này.
Đơn cử như việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Song thực tế, nhiều DN vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn cuối mới đi nộp…
Ngay trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc mua bán, trao đổi sản phẩm, dịch vụ qua mạng khá phát triển, nhưng cuối cùng, đa số người tiêu dùng vẫn sử dụng hình thức thanh toán COD – thanh toán khi nhận hàng.
Điều này được bà Lê Thị Hà, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) lý giải là, nhiều người tham gia giao dịch bằng tiền mặt một phần vì thói quen, phần khác do lòng tin của người tiêu dùng đối với các trang web thương mại điện tử. Điều này có nghĩa, người tiêu dùng chưa có đủ độ tin cậy để thực hiện toàn bộ một giao dịch, bắt đầu từ khâu giao nhận đến khâu thanh toán.
Trong hoạt động thanh toán tiền điện, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay, mới có hơn 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước.
Thanh toán không dùng tiền mặt: Khó đạt mục tiêu?
Tăng lòng tin trong dân
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện nay, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng bán lẻ đã sử dụng thanh toán bằng thẻ ATM. Tuy nhiên, số lượng khách hàng giao dịch qua thẻ hết sức hạn chế.
Tính đến cuối tháng 10/2016, trên toàn quốc có trên 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt
(tăng lần lượt là 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015). Hơn 90% người dân sinh sống ở các thành phố dùng thẻ ATM, số lượng thẻ phát hành trên cả nước tăng nhanh, đến cuối tháng 10/2016, con số này đạt mức trên 110,8 triệu thẻ (tăng 11.36% so với thời điểm cuối năm 2015).
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, khách hàng giao dịch bằng thẻ chủ yếu là rút tiền (chiếm 85%) và chỉ 15% là phát sinh qua thanh toán… Lý giải vấn đề này, Ts.Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, hệ thống ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi 70% dân số sinh sống ở nông thôn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chỉ ra rằng số lượng thẻ ATM tăng nhanh song chưa tương xứng với chất lượng và sự tăng cường giao dịch. Theo nhận định của NHNN, hiện nay có hơn 100 triệu thẻ ATM nhưng chỉ khoảng 70% lượng thẻ tham gia giao dịch.
Đồng thời, tính bảo mật của các loại thẻ này chưa cao, vẫn còn tình trạng gian lận tài khoản thẻ, thẻ giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp thông tin và tiền trong tài khoản cá nhân. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thực sự rất cần thiết, nhưng kèm theo đó phải nâng cao tính bảo mật cho người dùng.
Trong khi đó, một số chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay qua thẻ còn quá cao, khiến người tiêu dùng e ngại khi sử dụng thẻ ghi nợ. Bên cạnh đó, khách hàng phải chịu rất nhiều loại phí khi sử dụng thẻ như: phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ,… Đây cũng là rào cản khiến khách hàng không mấy mặn mà khi thanh toán qua thẻ.
Thực tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một tín hiệu vui cho các ngân hàng thương mại. Từ chỗ tích trữ tiền mặt trong nhà, trong két để sử dụng khi đi chợ, đi siêu thị, người dân sẽ dần có thói quen chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ thanh toán qua thẻ.
Khi đó, một mặt, tài sản của người dân được đảm bảo an toàn và sinh lời theo thời gian. Mặt khác, các ngân hàng sẽ huy động được thêm lượng lớn tiền nhàn rỗi trong dân vào hệ thống. Với lượng tiền bổ sung này, ngân hàng có thêm nguồn lực cho DN vay vốn sản xuất, lãi suất cho vay có thể giảm. Các DN khi vay được vốn rẻ sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Đề án, cần phải giải quyết những rào cản trên để người dân thấy được lợi ích, cũng như tính tiện dụng từ phương thức này mang lại.
Huyền Anh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.