27/03/2017 3:02 PM
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tuyên bố thanh khoản toàn hệ thống dồi dào, thì các ngân hàng thương mại lại đang âm thầm tăng lãi suất huy động.
Trong đợt tăng lãi suất lần này, mức tăng lớn chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dài, thường từ 18 tháng trở lên
Chẳng hạn, tại Eximbank, từ ngày 24/2, mức lãi suất cao nhất tăng mạnh lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đây cũng là ngân hàng có lãi suất cao nhất hệ thống khi cung cấp dịch vụ “lãi suất tiết kiệm online”, theo đó, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy đối với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.
Tương tự, Techombank cũng tăng lãi suất từ ngày 10/2 với mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,1%/năm so với hồi đầu tháng 2.
Trong khi đó, lãi suất tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao không đổi như OCB, lãi suất cao nhất là 7,7%/năm, nhưng nếu gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng sẽ được hưởng 7,8%/năm kèm theo một số điều kiện cụ thể.
Tại Viet A Bank, với những khoản tiết kiệm giá trị trên 100 triệu đồng ở các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 7,8%/năm. Hay với Bac A Bank, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 7,65%/năm cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Trước diễn biến này, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho biết: “Đầu tháng 1, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành mua ngoại tệ, nhưng do tháng 2, cán cân thương mại thâm hụt 1,2 tỷ USD nên cơ quan này không thể tiếp tục mua vào ngoại tệ thêm nữa.
Đây là điểm khác biệt so với năm ngoái, khi hệ thống ngân hàng nhận được lượng tiền cung ứng rất lớn từ Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh mua ngoại tệ, ước tính lên tới 10 tỷ USD, tương đương 220.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến ngày 15/3, huy động toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 2%, cho vay tăng gần 2,5% so với cuối năm 2016, tín dụng tăng trưởng mạnh đã buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động”.
Điều đáng chú ý trong đợt tăng lãi suất lần này là mức tăng lớn chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dài, thường từ 18 tháng trở lên.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết, một điểm cần đề cập là việc Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của các ngân hàng giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 đã buộc các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động trung-dài hạn, nhằm cân đối nguồn vốn.
Thậm chí, nhiều nhà băng sẽ còn đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi để tuân thủ quy định về cho vay trung-dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, khi tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm về mức 40% trong năm 2018. Cụ thể, thời hạn càng dài thì lãi suất chứng chỉ tiền gửi càng cao, nhằm bù đắp cho việc gửi tiền trong thời gian lâu hơn.
Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Ban Kinh tế Trung ương, một trong những mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ năm 2016 là nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, với kỳ vọng việc điều tiết các công cụ chính sách tiền tệ, giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp sẽ tạo tác động truyền dẫn giúp mặt bằng lãi suất huy động giảm, từ đó các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng trong phần lớn năm 2016 rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức kỷ lục trong thời gian dài, có thời điểm xuống dưới 0,3%/năm, nhưng lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế hầu như không có xu hướng giảm. Đến cuối năm 2016, lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,15%/năm so với đầu năm. Thậm chí, nếu không có đợt hạ lãi suất của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng lớn khác sau đó, mặt bằng lãi suất có thể còn tăng cao hơn.
Theo Báo cáo, Việt Nam theo đuổi chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa ổn định tỷ giá và kiểm soát vốn, điều này dẫn đến các mục tiêu có thể bị xung đột, hoặc không thể thực hiện được khi thị trường xuất hiện áp lực tỷ giá. Điển hình là thời gian cuối năm 2016, khi tỷ giá tăng do ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ngoại tệ và nâng lãi suất bán tín phiếu để hạn chế áp lực tỷ giá. Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trở lại.
“Việc duy trì lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng (chủ yếu là kỳ hạn ngắn) trở nên rất bấp bênh trong khuôn khổ chính sách tiền tệ đa mục tiêu và đây sẽ là rào cản khiến các ngân hàng không sẵn sàng hạ lãi suất huy động (thường là lãi suất kỳ hạn dài)”, Báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc Việt Nam vừa sử dụng công cụ chính sách tiền tệ cả trực tiếp - biện pháp hành chính (áp dụng trần lãi suất, hạn mức tín dụng) và gián tiếp - biện pháp thị trường (thông qua điều tiết cung tiền và lãi suất thị trường liên ngân hàng) đã tác động tới thị trường 1.
Theo đó, khuôn khổ chính sách tiền tệ của Việt Nam thông qua cả hai kênh đã làm hạn chế đáng kể khả năng truyền dẫn chính sách qua thị trường liên ngân hàng. Trần lãi suất huy động không tham chiếu với thị trường liên ngân hàng, dẫn tới không có sự kết nối chặt chẽ về tác động lãi suất giữa hai thị trường.
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.