04/12/2017 3:13 PM
Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa mới đồng ý Chủ trương cho một doanh nghiệp nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, tuy nhiên các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa đã dừng cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình khác thuộc khu vực này.
Theo quy hoạch, các khách sạn được đầu tư hàng trăm tỷ có nguy cơ bị xóa sổ.
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan báo chí, các hộ dân và các tổ chức kinh doanh tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2011, nhiều người dân, doanh nghiệp có đất tại khu vực đường Hồ Xuân Hương, phường Trung Sơn (TP. Sầm Sơn) không được cấp phép xây dựng nhà ở, khách sạn do vướng quy hoạch, việc này đang gây khó khăn với việc xây dựng công trình của người dân.
Tìm hiểu được biết, ngày 26/12/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 4638/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 18/12/2015 ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 5340/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu Quảng trường biển, phố đi bộ thị xã Sầm Sơn.
Đây là hai căn cứ pháp lý để người dân và các tổ chức doanh nghiệp nằm ngoài quy hoạch khu Quảng trường biển đầu tư xây dựng hạ tầng để kinh doanh khách sạn, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển du lịch ở khu vực đường Hồ Xuân Hương.
Hiện nay dọc đường Hồ Xuân Hương (phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã được người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhiều khách sạn cao tầng như khách sạn Sơn Trang 1, khách sạn Rubi, khách sạn Cát Đại, khách sạn Long Thành 1, khách sạn Thanh Bình Gold…tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp “may mắn” vì kịp thời đầu tư sau khi quy hoạch được phê duyệt, số còn lại buộc phải tạm dừng để chờ doanh nghiệp ở Hàn Quốc lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Sầm Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng chi phí được phê duyệt là gần chục tỷ đồng.
Mặc dù ngày 17/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 2525/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Sầm Sơn đến năm 2040. Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa rất chi tiết, rõ ràng đến từng khu đất và có tầm nhìn đến năm 2040. Theo bản đồ quy hoạch này thì lô 01 mặt đường Hồ Xuân Hương là Quảng trường biển, mật độ xây dựng 0 - 5%, diện tích 3 ha, còn các lô 20, 21, 22, 23, 28…. được quy hoạch là khách sạn dịch vụ.
Những tưởng, đây sẽ là lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng ở phường Trung Sơn, người dân và doanh nghiệp phấn khởi thực hiện các bước để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, quyết định phê duyệt quy hoạch chung chưa “ráo mực” thì ngày 18/8/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại ký văn bản số 9809/UBND-CN đồng ý để một doanh nghiệp nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn. Diện tích lập quy hoạch khoảng 1.246ha, kinh phí do doanh nghiệp này tự bố trí và không được bồi hoàn lại trong bất cứ trường hợp nào.
Cũng chính từ văn bản này mà các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa đã từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho người dân và các tổ chức doanh nghiệp đang có nhu cầu xây dựng tại khu vực này.
Cụ thể, trong văn bản số 3699 ngày 10/11/2017 của UBND TP. Sầm Sơn gửi ông Bùi Xuân Thủy và bà Lê Thị Thủy trả lời về đề nghị cấp Giấy phép quy hoạch dự án khách sạn Ngân Hà 2 tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn nêu rõ: Sở Xây dựng Thanh Hóa đề nghị UBND TP. Sầm Sơn không cấp giấy phép quy hoạch; Giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực Khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ, TP. Sầm Sơn.
Trao đổi với phóng viên, một số người dân tại phường Trung Sơn bức xúc cho biết: Chúng tôi là doanh nghiệp và người dân sinh sống tại đây, có cả Việt kiều về nước theo tiếng gọi của tỉnh Thanh Hóa để đầu tư kinh doanh, nhằm phát triển kinh tế quê nhà. Theo quy hoạch thì khu vực Quảng trường biển đã thể hiện rõ là sẽ mở rộng và lấy hết từ tượng đài Nguyễn Thị Lợi xuống khách sạn Vũ Phong 1 dọc theo đường Hồ Xuân Hương.
Như vậy các khách sạn đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng phù hợp với quy hoạch trước đó có nguy cơ bị san phẳng để làm công viên biển. Động thái này của tỉnh Thanh Hóa đang dẫn đến việc phục vụ lợi ích cho một nhóm người, cho doanh nghiệp lớn mà bỏ qua quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi.
Theo Luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Quy hoạch chung do UBND tỉnh Thanh Hóa có tầm nhìn đến năm 2040 ban hành đến nay đang có hiệu lực. Quy hoạch chi tiết mới dừng lại ở việc chủ trương, nghiên cứu chưa được phê duyệt, chưa lấy ý kiến của người dân, chưa có quyết định hành chính khác mà các cơ quan chức năng không cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch chi tiết 1/500 là trái quy định của pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, kinh doanh và kế hoạch đầu tư của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Có thể thấy, việc không cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng của các Sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa khi quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đầu tư của tỉnh. Việc làm này đang trái các quy định của pháp luật, cần được xem xét xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Quang Minh (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.