06/06/2012 7:45 AM
Sau đoạn đầu tái cơ cấu, tháng 6/2012 là một thời điểm nhạy được xem khởi đầu cho giai đoạn tiếp theo. Cũng như lần trước, dư luận lại ồn ào soi xem những cái tên nào tiếp theo trong bản danh sách phải sáp nhập, mua bán để tái cơ cấu.

Thời điểm nhạy cảm

Mới đây, tại Hội nghị giữa kỳ với các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012, ông Lê Minh Hưng- Phó Thống đốc NHNN một lần nữa nhấn mạnh, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ. Trong 6 tháng cố gắng xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém...

Ông Hưng nhấn mạnh, như Thống đốc NHNN đã khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, NHNN sẽ sớm báo cáo Chính phủ Đề án xứ lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng để khơi thông nguồn vốn. Đồng thời trong 6 tháng cố gắng xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.

Như vậy, tháng 6 lại được nhắc đến như một thời điểm đầy trông đợi và nhạy cảm trong các quyết định điều hành và tái cơ cấu ngân hàng.

Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng và đang hướng đến tháng 6 khi Ngân hàng Nhà nước rà soát lại chất lượng theo các tiêu chí để "xét lại" tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đã được giao từ đầu năm.

Tuy nhiên, có vẻ như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã không còn là mối quan tâm hàng đầu hiện nay mà một lần nữa các chỉ số hoạt động an toàn nếu được đưa ra sẽ tiếp tục nhắc lại những tên tuổi yếu kém vốn đã be bét và gần như chắc chắn chưa thể sớm thoát ra khỏi "vũng lầy'.

Vì thế, "xét lại" lần này như một chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là thêm một yêu cầu thúc đẩy tái cơ cấu. Nếu Ngân hàng Nhà nước làm ngiêm thì các ngân hàng này khó có thể trì hoàn. Vị chuyên gia này cho biết, sau các thương vụ đầu tiên, lộ trình này có vẻ đang chậm lại. Vì thế, kết quả việc xem xét lại chất lượng ngân hàng lần này phải được sử dụng để gây sức ép.

"Đơn giản là Ngân hàng Nhà nước hay đúng hơn là Chính phủ đã tốn rất nhiều tiền bạc và sức lực để hỗ trợ và duy trì để rồi các ngân hàng yếu kém tiếp tục tục tồn tại như một nguy cơ cho toàn hệ thống".

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Dự thảo thông tư hướng dẫn việc tổ chức lại tổ chức tín dụng. Đây được xem là cơ sở quan trọng để tạo thêm thuận lợi thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Việc tổ chức lại tổ chức tín dụng được hướng dẫn tại dự thảo thông tư bao gồm việc sáp nhập, hợp nhất, thay đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng. Theo đó, các hình thức sáp nhập tổ chức tín dụng được xác định ở 5 trường hợp gồm: ngân hàng, công ty tài chính sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính; quỹ tín dụng nhân dân sáp nhập vào một quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức tài chính vi mô sáp nhập vào một tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài ra dự thảo cũng xác định cụ thể nhiều trường hợp và hướng dẫn chi tiết vực thực hiện các hình thức chuyển đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng.

Ngoài 2 Thông tư trên còn có các Thông tư quan trọng khác như: Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, thay đổi tên, địa điểm và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện , đơn vị sự nghiệp của NHTM và tổ chức tín dụng phi ngân hàng...

Với diễn tiến này, có vẻ như khẳng định của Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, sau vụ sáp nhập SCB, hiện nay, Tổ giám sát và các Vụ, Cục của NHNN đang tích cực phối hợp với SCB xây dựng phương án tái cơ cấu ngân hàng hợp nhất này ở giai đoạn tiếp sau hợp nhất. 6 NHTMCP yếu kém khác cũng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và các NH này cũng đang tích cực xây dựng phương án tái cơ cấu trình NHNN phê duyệt.

Ai dám bước ra ánh sáng?

Khác với những con số ước chừng 5 - 8 hay "mươi" ngân hàng yếu kém như trước đây. Ngân hàng nhà nước đã chỉ rõ con số 6 ngân hàng phải tái cơ cấu. Mặc dù tên tuổi các ngân hàng vẫn chưa công khai.

Như một phép loại suy, ngoài những tên tuổi lớn, những ngân hàng nhỏ những đã khẳng định thì những cái nhìn đang hướng đến những ngân hàng khá im tiếng, có những sự cố trong hoạt động kinh doanh như vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, bị nghi ngờ về thanh khoản, chậm đại hội cổ đông.

Liên hệ lại thời điểm hồi đầu năm, khi các các ngân hàng trong nhóm 1 và 2 đều "lên tiếng khoe" văn bản phân loại chỉ tiêu tín dụng. Ai cũng biết, đây là một cách khẳng định vì, chỉ tiêu này không vô cớ mà phân loại, căn bản nó được "xét" trên sức khoẻ của ngân hàng qua "khám" bệnh các bộ phận như: tổng tài sản thực còn so với sổ sách, vốn chủ sở hữu thực còn so với vốn điều lệ, chất lượng tài sản, nợ xấu khó đòi.

Vì thế, trên các diễn đàn và báo chí gần đây đã soi đến những cái tên khá "im tiếng" như: NaviBank (NHTM CP Nam Việt), Habubank (ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội), NH TMCP Đại Tín (Trustbank), GPBank (ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu), Tien Phong, WesternBank (Ngân hàng TMCP Phương Tây), Saigonbank (ngân hàng Sài Gòn Công Thương), SCB (ngân hàng TMCP Sài Gòn), Việt Nam Tín Nghĩa...

Nếu tính 3 ngân hàng đã sáp nhập đợt 1 là cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa thêm hai ngân hàng chủ động tái cơ cấu là Tienphongbank và Habubank, phương pháp loại trừ cũng đã cho ra những cái tên nhiều khả năng trong đợt tới.

Thậm chí, những thông tin đồn ra ngoài còn có cả những vấn đề như: ngân hàng P đã từng bước đầu tham khảo chuyện mua bán với ngân hàng H nhưng tự nhiên đến nay mọi việc đang tạm dừng; hay ngân hàng T đang bàn thảo việc sáp nhập với một đối tác phi ngân hàng nhưng rất có thực lực ở phía Bắc...

Hơn thế, trong khi câu chuyện về Ông Trầm Bê, Lê Hùng Dũng và Nguyễn Đức Kiên trong thương vụ Eximbank thâm nhập vào ACB đang nóng thì một đại gia vốn nổi tiếng trong giới đầu tư. BĐS, KCN và hiện đang là chủ tịch một ngân hàng cũng đã được nhắc đến khi cùng với những nhà đầu tư thân cận khác có vai trò trong một ngân hàng thuộc nhóm dưới.

Cũng như lần trước, mọi đồn đoán đều không được xác nhận và chỉ khi những vụ mua bán sáp nhập được công bố thì có vẻ mọi việc mới vỡ ra. Điều này có thể liên hệ tới trường hợp SHB và Habubank vừa qua.

Nhưng cũng từ các vụ sáp nhập đã diễn ra, có vẻ thông tin tái cơ cấu dù rất được quan tâm nhưng không đến nỗi nguy hiểm như các cơ quan nhà nước lo ngại. Thực tế, những vụ sáp nhập đều diễn ra suôn sẻ và ổn định. Các ngân hàng yếu kém đang trong quá trình cơ cấu lại, huy động vốn vẫn không bị sụt giảm. Sự trở lại của các khoản tiền gửi mới cho thấy niềm tin của công chúng vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được duy trì ổn định ngay từ giai đoạn đầu.

Chính vì thế, bên cạnh lo ngại về chậm trễ của tái cơ cấu ngân hàng sau những bước đi đầu tiên, WB cho rằng, một trong những biện pháp cần thiết là WB là phải tăng cường minh bạch và công khai thông tin. Song hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực do thiếu thông tin.

Và như thế, có lẽ chẳng ai dám bước ra ánh sáng để công khai tiến trình tái cơ cấu của mình. Có thể những ông chủ ngân hàng sẽ lợi dùng tình trạng này để kéo dài thời gian thực hiện chủ trương tái cơ cấu để bảo vệ quyền lợi của mình, lợi dụng chính sách hỗ trợ thậm chí quay ra "làm giá" với các nỗ lực tái cơ cấu kể cả cơ quan nhà nước.

Chính vì thế, như để giải thích cho lo ngại chậm trễ của mình, đại diện WB khuyến cáo tình trạng nhóm lợi ích đang nổi lên như một lực cản đối với tái cơ cấu ngân hàng do tình trạng sở hữu chéo vẫn còn phổ biến mặc dù NHNN đã ban hành các quy định nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ các bên có liên quan khác nhau đối với các quyết định tái cơ cấu một tổ chức tín dụng

WB cho rằng, có nhiều khó khăn thách thức để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu một cách thành công. Nhưng nếu như các tổ chức tài chính yếu kém và hoạt động không hiệu quả không được khuyến khích rút lui một cách hợp lý thông qua mua bán và sáp nhập hoặc phá sản có kiểm soát, thì họ sẽ tiếp tục làm cho cả hệ thống yếu theo. Tất nhiên, khi nguy cơ chưa bị loại bỏ thì rủi ro tăng lên rất nhiều.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.