28/01/2013 7:36 AM
Trái với cảnh nhộn nhịp cuối năm, giới bất động sản lại tê tái vì một năm làm ăn thất bát. Trong khi nhân viên ngồi ngáp ngắn ngáp dài, giám đốc lại chạy vạy khắp nơi lo trả nợ. Thế cùng, nhiều người chỉ còn nước lánh mặt để khỏi bị đòi nợ.

Lãnh đạo lao đao

Mấy ngày gần đây, anh Tuấn, giám đốc một sàn bất động sản ở Trung Hòa Nhân Chính, thường xuyên không có mặt tại văn phòng. Nợ nần đối tác tới tiền lương nhân viên ngày càng tăng khiến anh Tuấn méo mặt. Sức vóc nhỏ bé của anh dường như không đủ để cáng đáng nhiều chuyện, trong lúc này tìm được một khoản tiền trả nợ trước mắt là niềm vui lớn nhất, giúp anh thanh thản nghỉ tết.
Anh Tuấn buồn rầu: "Năm rồi, cả sàn nghỉ việc chỉ còn có ba người nhưng thu không đủ trả tiền lương cho anh em. Tết này chỉ muốn đi đâu thật xa để khỏi phải lo nghĩ gì, cứ thấy Tết là thấy sợ". Trong khi anh Tuấn đi vắng, số hóa đơn, chứng từ, điện thoại của đối tác gọi về công ty cũng nườm nượp. Anh đã rao bán ngôi nhà 5 tầng ở Hồ Tây để lấy tiền trả nợ nhưng vẫn chưa ai mua.

Thê thảm hơn anh Tuấn, anh Hưng, giám đốc một sàn BĐS ở Mỹ Đình, đã bán cả nhà, xe hơi nhưng vẫn chưa đủ để trả nợ. Thời điểm này cách đây hai năm, anh đang thong thả đi ngắm đào Nhật Tân và chọn cho công ty, cho nhà mình và thậm chí tặng cả đối tác những gốc đào giá hàng chục triệu đồng. Tết năm nay, anh không còn tâm trí nào nghĩ tới đào quất.

Anh Hưng chia sẻ: "Đúng là lên nhanh xuống cũng nhanh, không ai đoán trước được thị trường. Năm nay cả nhà tôi chắc không có Tết."

Ba văn phòng nhà đất đã đóng cửa, ngày nào anh Hưng cũng rời nhà từ 8 giờ tới chiều tối nhưng anh đi đâu cả gia đình đều không nắm được. Con xe ô tô anh đang đi cũng được thuê lại từ người chủ mới

Sàn BĐS đóng cửa im lìm

Giám đốc một công ty bất động sản ở Trung Hòa Nhân Chính cũng đã phải viết thư tri ân nhân viên và thông báo lý do không có thưởng Tết. Tiền lương còn nợ, ông sẽ thu xếp trả dần, nếu may nhân viên sẽ được hưởng trọn 1 tháng lương trước Tết. Từ tháng 4/2012, công ty này đã gặp phải khó khăn, toàn bộ nhân viên chỉ được tạm ứng mỗi tháng nửa lương, chính vì thế số nhân viên bỏ chạy hơn nửa. Chế độ bảo hiểm xã hội, phụ cấp ăn trưa điện thoại đều đã bị cắt từ lâu.

Vị giám đốc này cũng đang bạc mặt tìm mọi cách xoay xở. Ông cho hay: "Từ giờ đến cuối năm tôi chỉ mong có đủ tiền để tạm ứng thêm nhân viên, chứ không nghĩ gì đến việc thưởng Tết".

Hàng ngàn DN đóng cửa

Sự thê thảm của bất động sản thể hiện rõ qua những con số trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng. Theo đó, hàng loạt sàn bất động sản buộc phải đóng cửa, số đang hoạt động cầm chừng, cả tháng không nổi một giao dịch thành công.

Theo báo cáo của 94 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, về giá trị giao dịch có 1.833 giao dịch thành công trên tổng giá trị giao dịch là 6.198,1 tỷ đồng. Còn tại TP.HCM, báo cáo từ 129 sàn, có 4.015 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 11.049 tỷ đồng. Hiện có trên 50% sàn giao dịch bất động sản tạm dừng hoặc không có giao dịch. Tại TP HCM, lượng giao dịch thành công không nhiều.

Trong năm 2012 đã có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động.

Hà Nội tồn 2.392 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng; Tp.Hồ Chí Minh tồn 10.108 căn hộ chung cư, 1.131 căn nhà thấp tầng, 34.282m2 đất nền. Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh trầm lắng kéo dài 3 năm nay (2009-2012) và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho các dự án phát triển nhà ở khoảng 42.250 căn nhà, 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.400 m2 trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền, 1,9 triệu m2 đất thương mại. Bộ Xây dựng ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.

Tình hình giao dịch bất động sản kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch bất động sản (bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch bất động sản (mua, bán nhà ở của người dân) rất ảm đạm.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện Sàn giao dịch BĐS Info cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đóng băng, lượng tồn kho BĐS nhiều do ảnh hưởng từ 2 yếu tố. Lượng vốn đầu tư vào ít do suy thoái kinh tế và nhà đầu tư ồ ạt rút lui ra khỏi thị trường. Tâm lý không muốn đầu tư vào thị trường do mất niềm tin.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, 2013 được dự báo sẽ chẳng khả quan hơn và bất động sản sẽ khó có sự phát triển đột phá mà vẫn theo đà giảm giá mạnh hơn nữa.

Duy Anh (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.