Sẽ có những thách thức cho Phú Quốc khi mở cửa du lịch trở lại. Ảnh minh hoạ: Internet
Bước đi cần thiết
Đại dịch kéo dài đã gây trở ngại cho ngành du lịch của Phú Quốc. Theo thống kê của Sở du lịch Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2021, địa phương ước tính phục vụ 1,1 triệu lượt khách lưu trú, giảm 36% và tổng thu từ hoạt động kinh doanh du lịch giảm 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kế hoạch thí điểm, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 40.000 khách quốc tế, với thị trường mục tiêu là nhóm du khách đến từ châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Úc và Trung Đông.
Trong ba tháng đầu tiên, thành phố đảo kỳ vọng sẽ chào đón mỗi tháng khoảng 3.000-5.000 lượt du khách theo mô hình “du lịch khép kín”.
Những du khách này sẽ đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao (charter flight) và lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng riêng biệt.
Trong giai đoạn ba tháng tiếp theo, chương trình đặt mục tiêu đón tiếp 5.000-10.000 lượt khách, cân nhắc mở rộng áp dụng đối với nhóm khách du lịch đến từ các chuyến bay thương mại và được phép di chuyển, tham quan nhiều điểm đến hơn trên đảo.
Nhận định về kế hoạch này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho rằng đây là một bước đi đáng khích lệ cho ngành du lịch.
Ông Gasparotti hy vọng chương trình này sẽ được triển khai một cách thận trọng ở nhiều địa phương khác phù hợp tiêu chí nhằm tiến gần hơn với việc mở cửa các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước vào thời điểm thích hợp.
Việc chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là cần thiết để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế.
Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang từng bước tìm hướng nới lỏng phù hợp, bao gồm việc dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia.
Theo ông Gasparotti, nếu chỉ đánh giá sự thành công của chương trình thí điểm này trên góc độ doanh thu đem lại cho ngành du lịch, thì sẽ chưa được đầy đủ do lượng khách dự kiến từ chương trình này vẫn còn hạn chế.
“Một khía cạnh quan trọng hơn là việc thí điểm này cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép, mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch đến Việt Nam”, ông Gasparotti cho hay.
Theo chuyên gia này, số lượng du khách được đề xuất trong giai đoạn đầu vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nguồn cung phòng của Phú Quốc và chương trình thí điểm này có thể chỉ giúp đem đến nguồn khách cho một số khu nghỉ dưỡng nhất định.
Tuy nhiên, đây vẫn là một bước đi cần thiết cho đến khi thị trường sẵn sàng cho quá trình phục hồi toàn diện hơn.
Điều này sẽ đòi hỏi một lộ trình dài hơi và nỗ lực từ tất cả các đơn vị hoạt động trong ngành để thiết lập lại các hoạt động du lịch quốc tế.
Bài học từ Thái Lan
Trong khu vực, Thái Lan là quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế thông qua chương trình Phuket Sandbox.
Việt Nam có thể học hỏi các chiến lược của Thái Lan và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tính chất của thị trường.
Trong hai tháng kể từ khi triển khai Phuket Sandbox, 26.400 khách du lịch nước ngoài đã đến hòn đảo này, với tổng cộng 366.971 đêm lưu trú. Trong số đó, chỉ 0,3% tương đương với 83 du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid khi đến Phuket.
Chương trình này được xem là một phần của kế hoạch dài hạn góp phần tái khởi động ngành du lịch địa phương. Việc thực hiện mô hình Phuket Sandbox đã thúc đẩy 69% khách sạn trong khu vực mở cửa lại so với mức 65% khi chưa có chương trình này.
Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn tham gia vào chương trình Phuket Sandbox đã đạt gần 20% vào cuối tháng 7 so với mức một con số trong giai đoạn trước đó.
“Mặc dù Phuket Sandbox chưa hoàn toàn đạt được các mục tiêu kỳ vọng khi công suất thuê phòng tại các khách sạn vẫn còn thấp, nhưng chương trình này đã thắp lên hy vọng để ngành du lịch Thái Lan bắt đầu một hành trình khôi phục vốn đã được chờ đợi từ lâu cũng như khởi động lại hệ sinh thái”, ông Gasparotti đánh giá.
Cho đến nay, Thái Lan đang cũng đang xem xét mở cửa trở lại Bangkok cũng như các điểm đến khác trên toàn quốc.
Theo Giám đốc Savills Hotels, mặc dù có một số điểm tương đồng với kế hoạch mở cửa trở lại của Phú Quốc nhưng kế hoạch tại Phuket cũng có nhiều điểm khác biệt cần lưu ý.
Một trong số đó là hoạt động du lịch tại Phuket phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế, trong khi đó Phú Quốc chiếm đến 90% khách nội địa. Điều này cho thấy nguồn khách nội địa hiện vẫn là nguồn doanh thu chủ đạo của Phú Quốc.
Vấn đề cần quan tâm thứ hai là việc áp dụng hộ chiếu vaccine hiện vẫn còn nhiều hạn chế về mặt di chuyển, và việc chỉ cho phép đến một địa điểm nhất định cũng sẽ hạn chế khả năng thu hút khách du lịch.
“Nếu chúng ta muốn thành công trong việc nhanh chóng thu hút khách quốc tế thì cần phải đảm bảo sự an toàn xuyên suốt cho hành trình của họ tại địa phương.
Tôi tin rằng sẽ có một cuộc chạy đua trong tương lai từ các điểm đến khác nhau để chứng minh rằng nguy cơ lây nhiễm virus tại điểm đến đó duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo rằng trong trường hợp lây nhiễm, địa phương sẽ có các cơ sở y tế, bệnh viện quốc tế với quy trình an toàn, đủ điều kiện điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho du khách nước ngoài”, ông Gasparotti chia sẻ.
Ngoài ra, một vấn đề khó khăn khác có thể dự báo trong lộ trình mở cửa trở lại là nguồn nhân lực và môi trường làm việc với nhiều biến động, rủi ro hơn so với trước đây.
Theo thống kê của Savills Hotels, Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng khách sạn thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp.
Trong năm nay, một vài khu nghỉ dưỡng dự kiến sẽ mở cửa, với tổng nguồn cung mới ước tính khoảng 1.800 phòng, nhưng phần lớn đang tạm hoãn kế hoạch khai trương. Tính đến nay, mới chỉ có một khu nghỉ dưỡng mới được đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2021.
-
Chính thức khởi công dự án có tòa tháp cao 220m tại Phú Quốc
Ngày 10/12, Tập đoàn Sun Group đã chính thức khởi công tổ hợp nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí Aspira Tower tại Bãi Trào, Hòn Thơm, Phú Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới cho Phú Quốc....
-
Điều chỉnh đường ven biển 3.200 tỷ đồng ở thành phố đảo duy nhất Việt Nam
Tuyến đường ven biển ở “đảo ngọc” Phú Quốc sẽ được điều chỉnh rút ngắn chiều dài, tăng 4 lên 6 làn xe, bổ sung thêm 3 tuyến nối nhưng vẫn giữ nguyên tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng như phê duyệt ban đầu....
-
Lựa chọn phương án thiết kế cho cầu vượt biển 3.900 tỉ qua vịnh Rạch Giá
Dự án xây dựng cầu bắc qua vịnh Rạch Giá nằm trên tuyến đường ven biển nối Kiên Giang – Cà Mau có vai trò kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển của khu vực....