29/10/2016 10:26 AM
Những căn hộ chen chúc nhau, nhiều mảng tường bong vữa, mạng điện chằng chịt… là những hình ảnh “thân thuộc” ở những khu tập thể đã xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng ở mức báo động (mức độ D) giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Những khu tập thể này đang dần trở thành mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của người dân sinh sống trong mỗi căn hộ.
Những căn hộ trong khu tập thể Giảng Võ san sát nhau không còn một kẽ hở.
Hiện nay, một số khu tập thể của Hà Nội như Nghĩa Tân, Thành Công, Giảng Võ, Nam Đồng… đã có dấu hiệu của sự xuống cấp với cơ sở vật chất bên ngoài không đảm bảo an toàn không chỉ cho người dân sinh sống ở khu tập thể mà còn gây lo ngại cho những hộ gia đình xung quanh.
Khu B1 tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cao 5 tầng với 30 căn hộ san sát nhau.
Khu tập thể Giảng Võ nằm trên địa bàn quận Ba Đình được xây dựng từ những năm 70, 80 thế kỷ trước. Cho đến nay, tuy đã được sửa chữa nhưng tình trạng xuống cấp vẫn đang xảy ra.
Bác Bình (khu D4 Giảng Võ) cho biết: “Chúng tôi sống khu này chục năm trời, xập xệ đấy nhưng quen cả rồi, nhiều nhà cơi nới thành ra mất mỹ quan lắm. Chỉ mong được di dời nhanh nhanh thôi”.
Các căn hộ cơi nới chiếm diện tích gây lộn xộn, mất mỹ quan. Điển hình như nhà trên tầng cao nhất của khu tập thể Giảng Võ sát đường Trần Huy Liệu mở rộng diện tích quá nhiều, nhô hẳn ra ngoài so với các nhà khác.
Nhiều nhà vì không gian chật hẹp nên cơi nới, mở rộng ra phía trước để tăng diện tích ban công khiến cho “cái balo” gần như quá tải, chỉ chực ngày bị bung vỡ ra. Gia đình chị D ở khu tập thể Giảng Võ cho rằng: “Nếu không cơi nới thì nhà rất chật. Nhà 5 người đi ra đi vào bất tiện nên phải mở thêm cho rộng”. Tổng thể nhìn từ bên ngoài, khu tập thể rất lộn xộn, nhà thì thò ra, nhà thì thụt vào, chênh vênh giữa trời Hà Nội.
Khu nhà B1 của khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cơi nới diện tích nhưng chỉ dựng bằng bằng giàn sắt khá nguy hiểm bởi sắt đã hoen gỉ khá nhiều.
Bác H (Tòa B1 khu tập thể Nam Đồng) chia sẻ, căn hộ của bác lúc mới cấp theo chính sách rộng khoảng 30m2, sau khi sửa chữa, mở rộng thì lên tới 36m2. Ở khu nhà này, ai có tiền thì họ sửa chữa, có nhà mở ra thêm được 5-10m2 là chuyện bình thường. Cả khu B1 có 5 tầng với tổng số 30 căn hộ, mỗi nhà cơi nới thêm một vài mét vuông thì có lẽ móng trụ của cả khu cũng không thể chống đỡ nổi.
Tình trạng cơi nới, lấn chiếm là một chuyện, nhưng các khu tập thể ở Hà Nội cũng đang gặp phải vấn đề xuống cấp trong nhà ở. Những mảng tường bị bong tróc sơn, ẩm mốc, dây điện chằng chịt, nơi để xe chật chội… là những hình ảnh hiện hữu ở các khu tập thể.
Khu nhà tập thể B5 Giảng Võ sát đường Núi Trúc nằm một mình một khu có bức tường ẩm mốc, sơn vôi tróc gần hết do tác động của mưa, nắng và của thời gian.
Nói về những bất cập trên, anh Hùng (khu tập thể B1 Nam Đồng) cho rằng: “Khu tập thể hiện nay đã quá cũ, đến những mùa mưa, mùi ẩm mốc tăng lên rất nhiều. Khó chịu lắm”.
Thuê nhà 30m2 trong khu tập thể này với giá 3,5 triệu đồng/ tháng, tuy giá phù hợp với điều kiện kinh tế nhưng anh Hùng thấy mất nhiều hơn được mà nguy hiểm rình rập lúc nào không hay.
Khu tập thể B6 Thành Công với tường bong tróc mảng lớn, lưới điện nhịt nhằng. Có lẽ thợ sửa điện cũng phải mất khá nhiều thời gian để xác định dây diện của từng hộ.
Rác của tầng trên là mái của tầng dưới… “Đã nói nhiều lần mà vẫn không hết tình trạng rác đội trên đầu này” – Chị H ở khu tập thể B6 Thành Công bức xúc.
Ban công trước nhà để rất nhiều thứ do diện tích trong nhà không đủ để chứa đồ, lo sợ có ngày sẽ rơi xuống dưới lòng đường nguy hiểm cho người đi bộ.
Tầng trệt để xe khu B6 Thành Công vừa tối vừa chật, chỉ để được số lượng nhỏ. “Ngày nắng họ để xe bên ngoài còn có lối mà lên chứ ngày mưa xe xếp chật cả lối đi lên cầu thang.” - Chị Hồng (người bán hoa quả chợ Thành Công) chia sẻ.
Khác với các chung cư cao tầng hiện đại, hiện nay việc quản lý ở các khu tập thể xuống cấp bị buông lỏng, người dân tự quản lý là chính. “Ở đây nhà nào tự quản lý nhà đấy, không có ban quản lý thường trực”, bác Đ ở khu tập thể Thành Công cho biết.
Chính vì đó, tình trạng đi xuống của khu tập thể là điều tất yếu, khiến cho các cơ quan gặp khó khăn trong việc tái định cư cho các hộ dân cư, làm chậm trễ quá trình cải tạo khu tập thể cũ.
Những tình trạng này vẫn tiếp tục diễn biến thì người dân chỉ biết sống mà chờ ngày khu tập thể “sập” mà thôi. Hiện UBND Hà Nội cũng đã có kế hoạch tập trung, quản lý quy hoạch kiến trúc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình cải tạo chung cư cũ. Hy vọng rằng những khu tập thể này sẽ sớm được cải tạo để người dân sớm thoát khỏi tình trạng như hiện nay.
Hải Linh Trần (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.