Xu hướng nào cho một đô thị bền vững?
Theo ông Nguyên, phát triển nhà ở cao tầng xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, cũng là xu hướng tạo nên một đô thị bền vững.
Ông Nguyên cho rằng, cuộc sống của con người trên trái đất đang phải đối mặt với tình trạng thiên tai, biến đổi khí hậu, đô thị hoá, gia tăng dân số, nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt.
Đô thị Việt Nam cũng đang có tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng môi trường sống được tạo ra lại thiếu đi không gian xanh. Hiện tượng ngập lụt diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn, trở thành vấn nạn nhức nhối suốt những năm qua. Tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí cũng là những tình trạng mà người dân nào cũng đang phải đối mặt.
Theo ông, trong bối cảnh đó, cấu trúc của đô thị nén sẽ là tất yếu, tiết kiệm được nhiều nguồn tài nguyên như đất, nước, năng lượng, vật liệu xây dựng. Những dự án nhà ở đã hiện diện ở các đô thị Việt Nam, giải quyết một phần quan trọng nhu cầu cư trú của người dân.
Cùng với đó, vị này cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang tồn tại những chung cư cũ đã xuống cấp. Người dân ở đó phải đối mặt với chất lượng sống thấp, nhiều dự án dàn trải gây lãng phí tài nguyên đất. Cũng có những dự án tận dụng quá triệt để diện tích xây dựng khiến môi trường sống được tạo nên cũng gặp nhiều vấn đề.
Vấn đề xanh ngày càng được quan tâm trong phát triển đô thị.
Ông lấy dẫn chứng như dự án HH Linh Đàm, xây dựng với mật độ rất cao, dẫn đến chất lượng cuộc sống của cư dân không được đảm bảo.
“Thực trạng nhà ở đang đặt ra thách thức lớn, nếu không có sự quan tâm đúng cách sẽ phá vỡ môi trường sống của chính chúng ta. Việt Nam đang có 2 xu hướng xây nhà ở: Một xu hướng chạy theo lợi nhuận trước mắt thay vì hướng tới tương lai. Đó là lý do vì sao vấn đề xanh càng được quan tâm rất nhiều hiện nay”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở góc độ của doanh nghiệp, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc R&D Capital House cho rằng, khái niệm công trình xanh trước đó vẫn còn ít được nhắc đến trên thị trường. Với vai trò là chủ đầu tư, doanh nghiệp địa ốc gặp rất nhiều thách thức.
“Khi chủ đầu tư muốn xây dựng công trình xanh, họ phải đối mặt với bài toán, giá sẽ bán như thế nào và có thể cao hơn những dự án thông thường. Người mua nhà liệu có sẵn sàng mua sản phẩm xanh hay không, hiểu biết của họ về lợi ích công trình xanh như thế nào. Ngoài ra, một vấn đề nữa được đặt ra, liệu một công trình xanh có thực sự xanh hay không", ông Bách chia sẻ.
Giải pháp cho nhà ở cao tầng xanh
Ông Bách cho biết, để mang yếu tố xanh vào các dự án, việc nghiên cứu và đưa ra phương án về mặt thiết kế, sử dụng vật liệu rất quan trọng. Doanh nghiệp này cũng xác định, lấy tiêu chí mặt bằng của các công trình tại Việt Nam để phát triển các dự án nhà ở mức tốt hơn.
Theo ông Bách, với việc đầu tư vào công trình xanh, chi phí bỏ ra sẽ tăng lên 1,5%. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lợi nhuận, doanh nghiệp đã đưa ra mức giá cạnh tranh và thu hồi vốn nhanh thông qua việc bán hàng nhanh hơn.
“Giá trị mà công trình xanh mang lại đó là chi phí vận hành giảm, khách hàng hài lòng và nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp”, ông Bách nói.
Đánh giá về những lợi ích của nhà cao tầng xanh, KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, đây là mô hình giúp tiết kiệm quỹ đất, tạo ra sự đồng bộ về kỹ thuật, giúp đóng góp lớn cho kinh tế học đô thị.
Đối với nhà đầu tư, nhà chung cư xanh góp phần mang lại giá bán tốt, tiêu thụ nhanh, thu hồi vốn tốt, chi phí vận hành giảm, khách hàng hài lòng. Đối với người dân, yếu tố xanh trong công trình sẽ mang lại môi trường sống tốt.
Nói về giải pháp, ông Nguyên nhấn mạnh, cần phải xây dựng chính sách đồng bộ, có sự cam kết của cấp lãnh đạo và một hệ thống luật rõ ràng. Đối với sản phẩm xanh, cần phải tạo một nguồn cung các sản phảm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý.
“Công trình xanh khi được cấp phép xây dựng bản thân nó phải có đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó cần có sản phẩm xanh bao gồm rất nhiều yếu tố từ các vât liệu công nghệ mà lúc nào cũng sẵn sàng”, ông Nguyên nói.
Điều cuối cùng, theo ông là phải có bộ đánh giá công trình xanh, vì nếu không, có thể dẫn đến việc rất nhiều chủ đầu tư sẽ xây dựng những công trình không có đóng góp cho môi trường và xã hội.
Đối với khách hàng, cần xây dựng một thị trường nhà ở cao tầng xanh với các khách hàng sinh thái. Đối với quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh, cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy nhà ở cao tầng.