17/11/2013 9:22 AM
Sáng nay, 16-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công.

Theo ông Bùi Quang Vinh, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự luật bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.

Riêng về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 tới. Dự Luật cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư - nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công.

”Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Tình hình trên đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, trong Dự án luật đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn.

Theo tinh thần đó, tại Mục 1 của Chương II về chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công: Từ Điều 11 đến Điều 19 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác. Đây là những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành (trừ chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia đã quy định trong Nghị quyết của Quốc hội), đặc biệt các nội dung về thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công (từ Điều 20 đến Điều 27).

Bên cạnh đó, công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn cũng được đổi mới và tăng cường, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong Luật Đầu tư công (thể chế hóa các chủ trương, giải pháp trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011) sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Sản xuất dụng cụ y tế tại Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại Khu Chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Đức Trí

Dự án Luật Đầu tư công được ban hành cũng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế.

Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm tới, để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước...

Đồng thời, dự thảo luật dành một chương quy định các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành, nhất là đánh giá sau đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công được quy định trong luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một điểm mới đáng lưu ý nữa là trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, dự án luật đã chế định một cách có hệ thống về quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các chương trình, dự án, từ lập kế hoạch, phê duyệt, đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, đồng thời với việc xây dựng Dự án Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị 4 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật, gồm: (1) Dự thảo Nghị định về Kế hoạch đầu tư trung hạn; (2) Dự thảo Nghị định về Giám sát và Đánh giá đầu tư; (3) Dự thảo Nghị định về Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; (4) Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Anh Phương (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.