Theo ông Vũ Đình Ánh, năm nay tăng trưởng tín dụng đạt 10% cũng đã là tốt rồi. Đặc biệt, với chính sách tài khóa nới lỏng, với trách nhiệm của chính sách tiền tệ đối với lạm phát, năm 2014 tăng trưởng tín dụng cũng chỉ nên 10%.
Sau bình luận có phần “phủi” và thẳng thắn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, không gian hội thảo về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ hôm 18/11 rộn lên những tiếng cười.
Chỉ ít phút trước đó, chuyên gia này tự tin nêu đánh giá của mình: “Từ khi tôi biết đến chính sách tài khóa cho đến nay thì chưa bao giờ tôi thấy nó thắt chặt, mà người ta từng nói là thắt chặt. Năm 2014 và 2015 nó sẽ tiếp tục nới lỏng và còn nới lỏng nữa. Như vậy chắc chắn sẽ bất ổn vĩ mô nếu chính sách tiền tệ cũng tiếp tục nới lỏng”.
Theo ông Ánh, năm nay tăng trưởng tín dụng đạt 10% cũng đã là tốt rồi. Đặc biệt, với chính sách tài khóa nới lỏng, với trách nhiệm của chính sách tiền tệ đối với lạm phát, năm 2014 tăng trưởng tín dụng cũng chỉ nên 10%.
“12%, quan điểm của tôi là không nên đặt, hay cố gắng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nó không giải quyết vấn đề gì, hay để làm gì cả!”, TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.
“Vừa rồi đọc báo nói họp “G14” để tìm cách đẩy tín dụng lên 12%. Tôi không có điều kiện tham gia để xem bàn luận cụ thể thế nào. Nhưng tôi chia sẻ với các ngân hàng là hết cỡ rồi. Các bác đại biểu Quốc hội, các bác quan chức bảo ngân hàng phải tìm doanh nghiệp nào hoạt động tốt đi. Vâng, tôi cho rằng, hơn ai hết, ngân hàng có động lực để tìm chứ! Vì sao, vì đó là cách sống, nguồn sống của họ. Họ không cho vay thì họ làm gì. Khổ lắm, khách hàng tốt hiếm lắm. Nếu các bác cho là doanh nghiệp này tốt thì các bác có dám bảo lãnh cho họ không, nay mai nợ xấu ai chịu?”.
“Đây không phải là cái sàn mục tiêu để vượt qua, để đánh giá thành tích của Ngân hàng Nhà nước”, ông nhìn nhận.
Trước đó, sau bài viết “Họp “G14”: Tăng tín dụng, đã nới hết cách…!”, VnEconomy đã nhận được ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), người mà từ hồi tháng 5/2013 đã từng nêu quan điểm không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng theo một mục tiêu cố định.
Ông Hưng băn khoăn: “Sao đến lúc này chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% quyết liệt như vậy! Các giải pháp đã làm hết cả rồi. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn đẩy mạnh được tín dụng vì lợi ích của họ chứ. Con số không quá quan trọng, cái chính là chất lượng tín dụng và sức khỏe của doanh nghiệp, sức hấp thụ của nền kinh tế”.
Như quan điểm của vị phó chủ tịch ngân hàng trên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cái con số mục tiêu không quan trọng, vấn đề là chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, và cái lo nhiều hơn nữa là đừng để nợ xấu phát sinh.
Ý trên được lập luận cho quan điểm, tăng trưởng tín dụng trong những năm tới vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ; không vì áp lực tăng trưởng kinh tế rồi đặt ra một con số như một mức sàn, cần phải vượt qua, thậm chí có vẻ bằng mọi cách để vượt qua để đánh giá thành tích của Ngân hàng Nhà nước đến đâu.
E ngại nếu chính sách tín dụng nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung nới lỏng trong năm tới, lạm phát và bất ổn vĩ mô sẽ lặp lại, điều ông Ánh nhấn mạnh là sự “bung ra” của khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, cùng cảnh báo: “Cái giá phải trả không chỉ 2014-2015, bung đầu tư khu vực kinh tế nhà nước để đẩy cái tăng trưởng, nhưng chưa thay đổi cách thức tăng trưởng kinh tế thì cái giá phải trả tất yếu sẽ là bất ổn kinh tế vĩ mô”.
Đồng tình với một số điểm mà chuyên gia trên đưa ra, đồng chủ tọa hội thảo, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, góp ý thêm theo cách nói của mình rằng, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là anh em song sinh, cần sự phối hợp và chia sẻ.
Riêng về tăng trưởng tín dụng, ông Phước có trao đổi với lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước: 12% có phải là một áp lực không? Thông tin nhận được là câu trả lời chung, tăng trưởng tín dụng được xem là một chỉ tiêu trung gian.
“Tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh mà tăng trưởng kinh tế dựa vào cầu tín dụng nội địa rất lớn, song không hẳn tự mình đặt áp lực cho mình với mục tiêu tăng trưởng tín dụng như vậy. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cũng không phải đặt ra bất cứ giá nào để đạt 12%, mà 9 - 10% cũng là tốt rồi. Điều quan trọng là chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu”, ông Phước nêu quan điểm.