Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình tại phiên họp Quốc hội gần đây đã thông báo con số tăng trưởng tín dụng sau 10 tháng đầu năm, đạt 6,8%. Và theo Thống đốc, nếu tính cả phần nợ xấu được xử lý thông qua quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng và qua mua bán nợ với Công ty VAMC, thì mức tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,89%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm vì thế cũng được NHNN đánh giá khoảng 11-12%. Dù vậy, vấn đề được quan tâm là ngành ngân hàng sẽ chạy nước rút như thế nào để đạt được mức tăng trưởng này chỉ trong 2 tháng còn lại của năm.
Hiện giờ đã là tháng 11 và cuộc đua tín dụng vào chặng nước rút. Vẫn còn gần một nửa nhiệm vụ phải thực hiện, nếu tăng trưởng tín dụng muốn cán mốc 12% vào cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8%. Nếu tính cả phần dư nợ tín dụng nhờ trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu thông qua VAMC thì con số tăng trưởng tín dụng mới đã đạt 7,89%. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay ở mức 11-12%”.
Ảnh minh họa
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc đạt chỉ tiêu tăng tín dụng 11-12% là khả thi. Nhưng vấn đề là đạt bằng cách nào? Phương pháp tính của Ngân hàng Nhà nước đã dẫn tới nhiều tranh luận.
Nếu tính theo cách gộp cả nợ xấu được xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng và nợ xấu bán lại cho công ty VAMC thì con số tăng trưởng tín dụng chắc chắn sẽ cao. Như Thống đốc NHNN đã đưa ra ở nghị trường Quốc hội là 7,89%.
Cách tính này tuy không sai, nhưng theo TS. Phạm Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện chính sách công & quản lý - Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nếu tính như thế thì thực chất một phần tín dụng vẫn chỉ lòng vòng trong hệ thống ngân hàng.
TS. Phạm Thế Anh phân tích: “Cách tính thứ hai mà con số NHNN đưa ra là 7,89% thì không có những khoản vay mới nào trong nền kinh tế thì tín dụng vẫn tăng. Tăng trưởng tín dụng vẫn cao. Thế còn nó không phản ánh đúng thực chất nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế có tăng lên hay không”.
Nếu muốn đạt được chỉ tiêu, sẽ còn 4 đến 5% tăng trưởng tín dụng phải dồn vào 2 tháng cuối năm. Tương đương khoảng 16.500 tỉ đồng cho vay trong 2 tháng. Nhưng bao nhiêu phần trăm trong đó là để cho vay DN sản xuất kinh doanh và chất lượng vay như thế nào để đảm bảo không phát sinh nợ xấu mới? Theo các chuyên gia kinh tế, đó mới là những vấn đề quan trọng cần ưu tiên, hơn là một con số chỉ tiêu cố định.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng có ý kiến: “Thực ra chúng tôi vẫn luôn ủng hộ trường phái điều hành theo mục tiêu. Theo tôi hiểu, định hướng của NHNN tuyên bố tăng trưởng tín dụng ở khoảng 12%, như vậy có nghĩa là định hướng, là khuyến khích. Thế nhưng, tất nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm là chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá mà vấn đề tăng trưởng số lượng phải đi với chất lượng”.
Còn theo TS. Phạm Thế Anh, kế hoạch không quan trọng bằng con số thực hiện được... Nếu kế hoạch chúng ta không đạt được thì việc ép các chỉ tiêu để hoàn thành kế hoạch... sẽ không tốt đối với các nhà hoạt động chính sách và những người tham gia thị trường. Nó gây ra cho họ một sự khó hiểu và phát đi tín hiệu lệch lạc.
Nhiều người đã biết, “Tăng trưởng phút 90” từng là tình huống xảy ra với hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng cách đây đúng 1 năm.
Chậm chạp trong 10 tháng và đột ngột tăng tốc 2 tháng cuối năm. Chỉ trong tháng 11 và 12 của năm trước, tín dụng tăng trưởng đột biến thêm khoảng 6%. Một mức tăng gây khó hiểu cho ngay cả các chuyên gia kinh tế.
Năm nay thì thực tế việc cho vay đã khả quan hơn... nhưng thị trường vẫn chờ đợi vào một diễn biến tăng trưởng tín dụng hợp lý và thuyết phục hơn.