Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt kết quả đáng khích lệ.

Đơn vị nhà thầu thi công nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi kết nối với tỉnh Bình Dương.

Năm 2020, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Tây Ninh là 4.938,8 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách tỉnh và vốn Trung ương hỗ trợ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả đáng khích lệ.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 31/10/2020 toàn tỉnh đã giải ngân được 3.369,6 tỷ đồng, so với kế hoạch Chính phủ giao đạt 98%, so với kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao đạt 70,3%. Ước cuối năm tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công do Chính phủ và Hội đồng nhân tỉnh giao.

Cụ thể, 10 tháng giải ngân vốn Trung ương, bao gồm vốn trong nước, vốn trái phiếu Chính phủ là 544 tỷ đồng, đã giải ngân được 464 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch; vốn ODA giải ngân được 176,3 tỷ, đạt 91,8% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 20/4/2020 thành lập ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang cao điểm xảy ra (tháng 4/2020) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã huy động cả hệ thống chính trị tổ chức các đoàn công tác làm việc với 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý dứt điểm các phát sinh, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trong xây dựng cơ bản, UBND tỉnh đã giao thủ trưởng các ngành, địa phương tiến hành “kiểm tra từng dự án, gõ từng chủ đầu tư”. Đồng thời, giao các chủ đầu tư dựng sơ đồ điểm găng về tiến độ thực hiện của từng dự án, trong đó xác lập các mốc thời gian của từng giai đoạn triển khai thực hiện như phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công, thời gian khởi công dự án...

Cùng với đó, từng chủ đầu tư phải có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân phải đảm bảo đến hết quý II phải đạt 50%, hết quý III phải đạt 75%, hết tháng 11 các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giải ngân đạt 85% kế hoạch vốn. UBND tỉnh cũng xem đây cũng là mốc để xét thi đua khen thưởng năm 2020, hết tháng 12/2020 phải hoàn thành đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Song song đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 28/8/2020 về việc phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020 và Chương trình hành động số 2191/CTr-UBND ngày 14/9/2020 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo đó, các sở, ngành phải xây dựng chương trình hành động theo chỉ đạo của tỉnh để phát động phong trào thi đua trong ngành, lĩnh vực mình trong đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, giải ngân nguồn vốn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, trong xây dựng cơ bản việc đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án làm đường giao thông, còn gặp khó. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2518/QĐ-UBND ngày 21/11/2019 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Quyết định này được xem là “cẩm nang” để hướng dẫn các địa phương và chủ đầu tư phải thông thạo quy trình để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề nữa là phải công khai minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, chọn được nhà thầu tốt nhất thực hiện dự án, có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án, đảm bảo chất lượng công trình và bảo đảm thời gian thi công.

“Trong các cuộc họp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo, hàng tuần hoặc 10 ngày các cấp ủy đảng (Bí thư, phó Bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy…) phải nghe về vấn đề giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện mình để có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời.

Như vậy đối với Tây Ninh, vấn đề giải phóng mặt bằng để thi công công trình xây dựng cơ bản không chỉ nhiệm vụ của chủ đầu tư, của UBND tỉnh mà của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Có như vậy, vấn đề giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân vốn mới tốt được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết.

  • Chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2019 trên cả nước hơn 270.209 tỉ đồng, chỉ đạt 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.