14/06/2015 8:19 AM
Sau gần hai năm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại luôn luôn giảm và đã đạt đến mức giảm kỷ lục, gần 50% so với đầu năm 2013, lần đầu tiên, từ đầu tháng 6-2015 đến nay, lãi suất đầu vào đang được nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng.

Nguyên nhân được các tổ chức tín dụng cho biết là do cầu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới nên các ngân hàng phải chuẩn bị trước. Tuy nhiên, xét toàn cảnh, việc điều chỉnh theo hướng tăng lãi suất huy động dường như là kết quả của hàng loạt các chính sách tài chính tiền tệ mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua. Và sự biến động này sẽ có những ảnh hưởng quan trọng đến đời sống xã hội và cả nền kinh tế.

Lãi suất huy động đã tăng nhẹ

Ngân hàng quốc doanh có mạng lưới, thị phần tiền gửi lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) từ ngày 3-6 đã tăng lãi suất với một loạt sản phẩm tiết kiệm tiền đồng tại hội sở chính. Theo thông báo của Agribank, Sở giao dịch của ngân hàng áp dụng mức lãi suất mới đối với tiền gửi bằng tiền đồng các kỳ hạn dài, cao nhất đến 6,8%/năm từ sáng ngày 3-6-2015. Lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng tiền đồng Việt Nam (VND) kỳ hạn 18 tháng là 6,50%/năm (thay cho 6,20%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,80%/năm (thay cho 6,30%/năm). Đối với khách hàng tổ chức, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng áp dụng mức 6,80%/năm (thay cho 6.30%/năm).

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng với mức điều chỉnh tăng 0,2%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,7% khi khách gửi 36 tháng. Còn các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5% một năm. Tương tự, biểu lãi suất huy động bằng VND của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng đã được điều chỉnh tăng 0,1-0,4% ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6% thay cho 4,3%, kỳ hạn 3 tháng là 5% thay cho 4,9% và kỳ hạn 6 tháng là 5,5% thay cho 5,3% trước đó. Riêng kỳ hạn 9 tháng đã được nâng lên 6% từ mức 5,6%. Tại Ngân hàng Quân đội (MB Bank), lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn 8 tháng trở xuống cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,2% từ hôm 5/6. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh tăng lên mức 4,3% thay cho 4,2%, kỳ hạn 3 tháng là 4,8% thay cho 4,6% và ở kỳ hạn 6-8 tháng là 5,2% thay cho 5%.

Các ngân hàng thương mại (NHTM) khác cũng đang rục rịch tăng lãi suất huy động. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chậm nhất đến đầu tháng 7-2015, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất huy động để tạo thành một mặt bằng mới. Xu hướng này khó đảo ngược bởi nhiều nguyên nhân đang trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khối lượng khá lớn trên thị trường trong tháng 5, trên 50.000 tỉ đồng. Và với thông điệp mạnh mẽ về việc sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm, NHNN sẽ có xu hướng bán ngoại tệ giữ tỷ giá song hút mạnh tiền đồng về qua kênh tín phiếu. Việc này được dự báo sẽ tiếp tục được NHNN thực hiện trong tháng 6 này. Tính chung cả tuần đầu tháng 6-2015, NHNN đã hút ròng 1.791 tỉ đồng qua kênh tín phiếu. Bên cạnh đó, họ đã phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu tín phiếu ở các kỳ hạn đã thay đổi theo chiều hướng tăng.

Cụ thể, so với phiên giao dịch cuối tuần trước đó, lãi suất kỳ hạn 14 ngày tăng từ 3,5% lên 3,8%; lãi suất kỳ hạn 28 ngày tăng từ 3,5% lên 3,9%; lãi suất kỳ hạn 56 ngày tăng từ 3,7% lên 3,9% và kỳ hạn 91 ngày tăng từ 3,9% lên 4%. Trong xu hướng đó, lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua đã tăng từ 1,6 đến 1,9 điểm phần trăm tùy từng kỳ hạn. Thứ hai, tín dụng theo chu kỳ hàng năm thường tăng mạnh vào tháng 6 và đã tăng khá nhanh thời gian qua trong khi đó nguồn vốn xã hội đang bị hút nhiều về phía BĐS và chứng khoán. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20-5 ước tính đã đạt 4,26%. Bên cạnh đó, số liệu nêu trong báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho thấy tính đến ngày 31-3-2015, tổng vốn huy động trong nền kinh tế chỉ tăng 0,98% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 1,7% của tín dụng cùng kỳ. Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng đã khiến tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12-2014.

Những tác động của việc tăng lãi suất huy động của NHTM

Theo Vụ Tín dụng (NHNN), tính đến ngày 28-5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Bằng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tương ứng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%. Đó là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang tăng trở lại dấy lên lo ngại khó giảm lãi suất cho vay. Thực tế trong các kỳ hạn mà ngân hàng đã huy động thì kỳ hạn ngắn lại chiếm gần 70% tổng số vốn huy động, nhưng dư nợ trung dài hạn lại chiếm tới 53-55% tổng dư nợ. Chính vì vậy, việc tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang mong muốn lãi suất vay trung và dài hạn giảm thêm để thúc đẩy sản xuất. Mặc dù, đợt tăng lãi suất lần này tập trung vào các kỳ hạn trên 12 tháng, có vẻ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp muốn vay với lãi suất ổn định hơn và dài hơi hơn. Trái với mong muốn đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, đã tăng lãi suất huy động thời hạn trên 12 tháng sẽ dẫn đến tăng lãi suất huy động ở các thời hạn ngắn hơn.

Nếu theo đúng kịch bản đó, trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới sáu tháng sẽ phải tăng theo, từ đó tác động dây chuyền đến hàng loạt vấn đề khác như: lãi suất cho vay tăng, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, cộng với việc tăng giá của háng hóa thiết yếu sẽ khiến lạm phát tăng… Mặc dù vẫn dự báo lạm phát ở mức thấp, song hầu hết các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nếu các chính sách tài trợ ngân sách của Chính phủ như tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục); tăng giá xăng dầu, điện… tiếp tục được đẩy mạnh thì lạm phát có thể tăng lên trên mức dự đoán 3,2%. Chắc chắn, các chính sách tài trợ ngân sách để đẩy mạnh lạm phát sẽ gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô năm 2016, ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài. Có thể nói, sự kiện này báo hiệu thị trường trong thời gian sắp tới có thể có những biến động. Việc quan ngại về lạm phát tăng mạnh trong năm nay là quá sớm, nhưng vấn đề nằm ở năm sau, khi độ trễ của những chính sách hiện nay chín muồi, cũng là thời điểm cho những bất cập bộc lộ.

Để giải tỏa nỗi lo lắng này, một số NHTM cho rằng, điều chỉnh lãi suất huy động tăng lần nàychỉ là một động tác kỹ thuật, chủ yếu là các kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn cho vay nên sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất cho vay cả. Và quan trọng hơn, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính. Như vậy, với việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn trên 1 năm được đánh giá là cần thiết để đưa lãi suất các mức kỳ hạn về đúng bản chất huy động và sử dụng vốn. Người gửi tiền tiết kiệm muốn có lãi suất tốt phải gửi kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Với nguồn vốn kỳ hạn dài này, các ngân hàng mới hoạch định kế hoạch kinh doanh một cách chủ động. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp hơn.

Thành Minh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.