Việt Nam đã có hơn 25 năm thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 25 năm qua, kể từ khi hoạt động thu hút FDI được chính thức hóa qua Luật Đầu tư nước ngoài, ban hành ngày 29/12/1987, FDI được đánh giá là nguồn vốn bổ sung quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. FDI cũng đóng góp không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, FDI sẽ đóng góp được nhiều hơn thế nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế của mình vào việc đẩy nhanh hiệu quả giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI.
Giải ngân FDI không đạt 50% tổng vốn đăng ký
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, kết quả giải ngân FDI chính là thước đo hiệu quả thu hút thực tế của dòng vốn FDI. Tuy nhiên, những năm qua, dòng vốn FDI giải ngân của Việt Nam vẫn thấp, chưa tương xứng với kết quả vốn đăng ký và nhu cầu của nền kinh tế.
Cụ thể, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay Việt Nam đã thu hút được 14.263 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 208,6 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện chỉ đạt trên 97,63 tỷ USD, chiếm 47,2% vốn đăng ký. Tức là còn 52,8% tổng vốn FDI đăng ký chưa được giải ngân.
Cụ thể, năm 2006, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 12 tỷ USD thì vốn giải ngân chỉ dừng lại ở con số 4,1 tỷ USD, bằng 34% tổng vốn đăng ký; năm 2007, vốn đăng ký đạt 21,34 tỷ USD thì vốn đăng ký chỉ đạt 8,03 tỷ USD, bằng 37,5% tổng vốn đăng ký; năm 2008, vốn đăng ký đạt 64 tỷ USD thì vốn giải ngân cũng chỉ đạt 11,5 tỷ USD, đạt 17,9%; năm 2009, vốn đăng ký là 23,1 tỷ USD thì vốn giải ngân cũng chỉ đạt 10 tỷ USD, đạt 43,2%; năm 2010 vốn đăng ký đạt 18,6 tỷ thì giải ngân là 11,5 tỷ, đạt 61,8%; năm 2011 vốn đăng ký 14,7 tỷ thì giải ngân vẫn chỉ 11 tỷ, đạt 74,8% và 2012 dự kiến vốn giải ngân đạt 13 tỷ USD thì vốn giải ngân vẫn chỉ đạt 10,5 tỷ USD, bằng 80,7% tổng vốn đăng ký.
Điều đó cho thấy, mặc dù kết quả giải ngân những năm gần đây đã được cải thiện hơn so với trước, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân từ năm 2010 đến nay đã ngắn lại, nhưng con số giải ngân cao nhất vẫn chỉ dừng lại ở 11,5 tỷ USD. Phải chăng đây là nguyên nhân làm cho hơn ½ số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ nằm trên “giấy tờ”?.
Thử làm một phép so sánh đơn giản, chỉ với 47,2% tổng vốn đăng ký FDI được giải ngân mà khu vực FDI đã tạo ra 2,1 triệu chỗ làm trực tiếp và 3-4 triệu chỗ làm gián tiếp; khu vực FDI cũng đóng góp 19% vào tăng trưởng GDP… vậy mới thấy con số hơn 50% vốn FDI đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài chưa được giải ngân kia là một sự lãng phí vô cùng lớn về nguồn vốn đối với Việt Nam trong điều kiện đang “khát” vốn cho phát triển hiện nay.
Đồng thời, chậm trễ giải ngân FDI cũng làm giảm sức hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam, làm cho nhà đầu tư lo ngại về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, và có lẽ đây cũng là nguyên nhân làm cho dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm gần đây đang giảm dần. Khắc phục tình trạng chậm giải ngân FDI là vấn đề vô cùng cần thiết.
Cần khắc phục chậm giải ngân FDI
Đây là vấn đề vô cùng cần thiết, song để làm được cần chỉ rõ đâu là lý do dẫn đến nguồn vốn FDI chậm được giải ngân.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân FDI thấp, tuy nhiên cơ bản vẫn là do cơ sở hạ tầng kém phát triển; thể chế chưa hoàn thiện và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là những điểm nghẽn không mới, nhưng nhiều năm gần đây nó vẫn được nói đến như một nguyên nhân làm cho dòng vốn FDI kém phát huy hết hiệu quả.
Nói về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Mặc dù đã được đầu tư nhiều trong những năm gần đây, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam nhìn chung còn yếu kém, đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, hệ thống cơ sở hạ tầng hàng rào khu công nghiệp còn lạc hậu; Hệ thống pháp luật thì mặc dù 25 năm qua đã có sự cải thiện cho phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, nhưng các văn bản pháp luật về FDI vẫn chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng, thậm chí chồng chéo, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng vào thực tiễn ở các cấp; Nguồn nhân lực ở Việt Nam tuy dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về lao động của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong các dự án sử dụng công nghệ cao và hiện đại.
Tăng sức lan tỏa của khu vực FDI
Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng, tạo nền móng cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao thương mại, đầu tư. Vì thế, muốn nâng cao hiệu quả và tăng sức hấp thụ của nguồn vốn FDI, Việt Nam cần tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng. Muốn phát triển được cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án cải thiện hạ tầng dưới hình thức hợp tác công tư (PPP) phát triển. Làm được như vậy, không chỉ giúp Việt Nam có thể tận dụng được nguồn vốn tư nhân cho phát triển hạ tầng, mà còn tạo cơ sở thuận lợi để Việt Nam thu hút và sử dụng hiệu quả được nguồn vốn FDI.
Bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật cũng là yếu tố vô cùng quan trọng giúp tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Chính sách pháp luật ổn định, nhất quán cũng giúp cho quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn, giúp giảm chi phí và thời gian cho nhà đầu tư - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã từng chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Kwon Kyoung Doug - Phó Giám đốc Văn phòng KOTRA Hà Nội: Muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và nguồn vốn FDI có chất lượng, Chính phủ Việt Nam nên đưa ra những chính sách mang tính dài hạn, ổn định như thế giúp tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư, khiến họ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, vấn đề lao động, Việt Nam có gần 90 triệu dân, và hơn ½ trong số đó là số người trong độ tuổi lao động. Các chuyên gia cho rằng, đây là một nguồn “tài nguyên” vô cùng lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tuy nhiên, những năm qua Việt Nam lại chưa biết tận dụng lợi thế về lao động của mình vào thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI. Bằng chứng là “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng vậy vấn đề chất lượng lao động vẫn luôn là chủ đề nóng được bàn thảo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hàng năm.
Thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của chất lượng lao động Việt Nam, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho rằng: Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam là nâng cao năng lực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút đầu tư của các nước phát triển. Để thực hiện điều đó, Việt Nam phải phát huy được những lợi thế sẵn có, trong đó quan trọng nhất là phát huy tiềm năng của thị trường lao động có chất lượng. Đây cũng là yếu tố quyết định, đẩy mạnh phát triển công nghệ và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; chính sách pháp luật chưa nhất quán và chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu là 3 “điểm nghẽn” làm giảm đi sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam những năm gần đây. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG 2012), các chuyên gia lại một lần nữa khẳng định đã đến lúc Việt Nam không thể dựa vào lợi thế lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên để thu hút FDI nữa. Vì thế, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thể chế và phát huy năng lực lao động vào thu hút và sử dụng FDI là điều cần thiết. Nó không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam mà còn giúp Việt Nam tận dụng những lợi thế sẵn có của mình. Đây cũng là cách để Việt Nam đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu và tăng sức lan tỏa của khu vực FDI.
Nguyễn Hoà (Kinh tế Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.