Một góc khu dân cư trên đường Thanh Niên bên bờ hồ Trúc Bạch
Hiện nay, những mảng xanh trong không gian đô thị ngày càng thu hẹp trong khi mật độ dân số các thành phố lớn tăng lên từng giờ từng ngày. Không phải vô lý khi đề án chỉnh trang, chặt hạ 6700 cây xanh của thành phố Hà Nội vấp phải vô số ý kiến trái chiều và đang phải tạm dừng để xem xét lại.
Ai cũng hiểu cây xanh là nguồn cung cấp oxy, ngăn chặn bụi bẩn, tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho thành phố. Tuy nhiên khi mà các khu đô thị đất chật người đông, tấc đất tấc vàng thì người ta phải ưu tiên nơi ăn - chốn ngủ - chỗ làm việc trước khi nghĩ đến tác động môi trường hay ngắm nhìn cảnh đẹp. Các nhà quy hoạch, nhà đầu tư cũng phải ngẫm nghĩ phương án tạo ra ngày càng nhiều khu nhà liền kề, căn hộ chung cư, mở rộng phố xá… để tạo điều kiện tối đa cho nhân dân sống và làm việc.
Các khu đô thị lớn như Times City, Royal City, Khu liền kề Nam An Khánh, Vân Canh, Xuân Phương…đều ưu tiên tối đa diện tích khu căn hộ, nhà liền kề. Không gian chung như công viên, vườn hoa cây xanh là rất ít không thể đáp ứng đủ nếu mật độ dân số lấp đầy diện tích ở. Các khu nhà liền kề cũng được tận dụng diện tích để xây thêm nhiều phòng theo kiểu nhà ống, nhà phố, hoàn toàn không có sân vườn. Thậm chí các căn biệt thự với diện tích từ 200m2 trở lên cũng chỉ chừa lại khoảng không rất nhỏ khó lòng có thể tạo ra một mảnh vườn.
Tất cả các khu đô thị mới xây đều mang vẻ đẹp hiện đại của kiến trúc bê tông cốt thép, vật liệu nhân tạo. Nhưng khi đi vào sử dụng một thời gian, người ta sẽ nhận ra sự ngột ngạt, thiếu thốn của thiên nhiên. Thiếu mảng xanh sẽ tạo lên áp lực cho con người, rất dễ dẫn đến stress. Tình trạng này chắc chắn sẽ khiến cho bất động sản tại các khu đô thị này khó có sức hấp dẫn lâu dài với người sử dụng và rõ ràng sẽ giảm giá trị theo thời gian không xa.
Ở trong nội thành Hà Nội, những khu phố có cây xanh hay gần công viên cây xanh như những đường phố quận Ba Đình, khu phố xung quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch, công viên Thủ Lệ, công viên Cầu Giấy, công viên Thống Nhất… đều luôn giữ được mức giá ổn định và có tính thanh khoản cao hơn so với những tuyến phố mới chỉ toàn bê tông đường nhựa .
Đi xa hơn ra khu ngoại thành Hà Nội, khi đến các khu đô thị như Vincom Riverside, Ecopack…thật dễ dàng để cảm nhận giá trị sống đẳng cấp của thiên nhiên mang lại cho những căn nhà. Khá nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay lựa chọn đầu tư ở đây vì họ đã tính đến tương lai được sở hữu một không gian sống lành mạnh khi nội thành Hà Nội đã trở lên ngột ngạt và giao thông các tuyến đường ngoại thành ngày càng phát triển.
Một ví dụ rất điển hình gần đây là những bất động sản dọc theo những con đường mới trồng hoa hồng tại Đà Lạt như đường Hồ Tùng Mậu, đường Trần Phú trở lên đẹp hơn, lung linh hơn và đương nhiên là giá trị đã tăng hơn khoảng 10%.
Do tính chất không gian phố xá chật hẹp, Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã mơ ước đem lại màu xanh cho thành phố bằng cách phủ xanh các mái nhà đô thị, thiết kế khu vườn trên mái, vườn trên tường, vườn treo. Đây là một cách làm thực sự sáng tạo nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự đồng thuận của các gia chủ dám theo đuổi thiết kế sáng tạo .
Tuy nhiên, về quy hoạch chung, các nhà quy hoạch thành phố, các chủ đầu tư dự án khu đô thị cần phải có cái xa hơn về giá trị sống hòa mình trong thiên nhiên đối với mỗi con người. Khi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tất cả các tuyến phố, các dự án, các khu đô thị đều cần có những mảng xanh rộng lớn thì chắc chắn sẽ gia tăng giá trị bất động sản trong tương lai.