Lãi suất cho vay giảm dù khu biệt trong khối sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được cho là sẽ tác động nhiều chiều lên chứng khoán. Với 13 phiên lên điểm liên tiếp của VnIndex và giá trị khớp lệnh kỷ lục của HOSE trong những ngày qua, liệu chứng khoán có hy vọng "hồi sinh"?

Một mặt, khi kinh tế tốt lên, DN hoạt động hiệu quả sẽ tạo đà bền vững cho chứng khoán đi lên. Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất trong ngắn hạn là lãi suất giảm xuống, đầu tư tiết kiệm kém hấp dẫn sẽ khiến dòng tiền đổ sang chứng khoán. Với tình hình và tín dụng hiện nay nhà đầu tư hy vọng ngân hàng sẽ "mở"đối với chứng khoán... Liệu điều này có tạo ra động lực cho chứng khoán đi lên?


Hưng phấn


Ngày 13/9, xu hướng tăng giá của thị trường tiếp tục được khẳng định khi VN-Index có phiên đi lên thứ 13 liên tiếp. Dòng tiền chảy vào chứng khoán như được tiếp thêm sức mạnh khi có những dấu hiệu được cho là có sự dịch chuyển những khoản tiết kiệm lãi suất cao trước kia quay trở lại đầu tư vào cổ phiếu với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Điều này đã tạo ra thanh khoản kỷ lục ở sàn HOSE ghi nhận mức giá trị khớp lệnh cao kỷ lục trong vòng 3 tháng qua, đạt hơn 1.000 tỷ đồng.


Tăng điểm, giao dịch sôi động trở lại khiến cho thị trường như lấy lại được sinh khí và thị trường dường như hưng phấn hơn khi giao dịch của mấy phiên gần đây nhà đầu tư ồ ạt mua vào cổ phiếu. Điều này khiến cho những chuyên gia chứng khoán cho rằng, người ta đang mua gom hết tất cả, không muốn chậm chân khi một dòng tiền lớn sắp đổ vào thị trường làm cổ phiếu tăng giá.


Chính vì thế, trong nhận định mới nhất, ông Quách Mạnh Hào - Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Thăng Long tin rằng, thị trường chứng khoán đã và đang vào giai đoạn phục hồi. Cơ sở cho niềm tin đó chính là dòng tiền đang vào thị trường chứng khoán.


Tăng điểm liên tiếp, chứng khoán có hồi sinh?


Ông Hào phân tích, giảm lãi suất khi đưa ra chế tài mạnh hơn nhằm duy trì trần lãi suất huy động 14%. Thông tư 22 thay thế các Thông tư 13 và 19, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua thị trường mở. Nếu mọi chuyện vận hành hiệu quả như mong muốn, tín dụng được khơi thông, sản xuất sẽ trở lại, lạm phát giảm, tỷ giá và thị trường hàng hóa ổn định.

Trong khoảng thời gian gần đây, dòng tiền vào thị trường khoán đã tăng lên. Có thể, nhà đầu tư nhìn nhận nền tảng kinh tế vĩ mô đang bắt đầu cải thiện và chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh được lựa chọn trong thời gian qua là gửi tiết kiệm và đầu tư vàng. Nếu trước đây lựa chọn là gửi tiết kiệm thì hiện tại nhà đầu tư có thể cân nhắc những kênh còn lại.

Thực tế, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư trên thị trường hiện nay là chuyện giảm lãi suất và tiền sẽ đổ về đâu.

Niềm tin giảm lãi suất xuống 17 - 19% dù đã được nghi ngờ trong những ngày cuối tháng 8 thì nay đã được khẳng định khả thi khi Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp hỗ trợ và cả những kỷ luật mạnh mẽ.

Thừa nhận điều này, các chuyên gia cho rằng, định hướng giảm lãi suất đã phát huy tác dụng tốt trong việc kích thích tâm lý kỳ vọng vào triển vọng tích cực hơn trong thời gian tới. Đi cùng đó là những biện pháp ổn định tỷ giá, vàng và các tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã khiến chứng khoán có thêm niềm tin.

Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, sau 7 tuần liên tiếp duy trì trạng thái bơm/hút vốn cân bằng, Ngân hàng Nhà nước trong tuần vừa rồi đã bất ngờ bơm ròng một lượng vốn lớn qua thị trường OMO với giá trị lên tới 22.000 tỷ đồng. Đây được coi là động thái can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để ổn định hệ thống và hỗ trợ thực thi nghiêm trần lãi suất huy động 14%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS cũng cho rằng, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường tiếp tục được củng cố và đang được hỗ trợ khá tốt bởi tín hiệu lãi suất cho vay có thể giảm trong thời gian tới. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ chuyển từ tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán, tâm lý đầu tư được cải thiện đáng kể.

Thực tế: Vẫn phải chờ

Thực tế, có sự tác động tâm lý từ việc hạ lãi suất đẩy chứng khoán đi lên. Tuy nhiên, sự hưng phấn quá mức lại đang gây ra những lo ngại vì có thể dẫn tới một giai đoạn điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán và điều này có thể sẽ tạo ra những rủi ro cho nhà đầu tư. Và đây chính là điều rất đáng cảnh báo.

Lo ngại điều này, FPTS cho rằng, mặc dù có mức tăng khá tốt nhưng vẫn có những lo ngại cho xu hướng tăng điểm của VN-Index trong trung hạn. Sức mua trong phiên có phần chững lại trong khi áp lực bán tiềm ẩn tiếp tục chờ đợi để thoát hàng ở giá cao. Theo đó, khả năng xuất hiện một đợt điều chỉnh mạnh với áp lực bán tháo hoàn toàn có thể xảy ra.

Và theo các chuyên gia, điều này có thể dẫn tới một kích bản trái chiều không mong muốn là khi có sự đảo chiều mạnh, những chỉ số mới được gây dựng lại tụt sâu và phá đáy hoặc trở lại với xu hướng ỉu xìu và chìm dần như những tháng qua, thì nhà đầu tư sẽ sợ rất khiếp sợ và rút ra nhanh hơn. Dòng tiền không vào mà sẽ chảy ra và chứng khoán đi xuống, cơ hội tăng điểm 2011 không còn.

Chính vì thế, ông Quách Mạnh Hào cho rằng, sự hưng phấn tâm lý rồi sẽ đến lúc cân bằng. Khi giá đã tăng tương xứng với kỳ vọng ban đầu của hành trình giảm lãi suất, thị trường cần những thông tin mới, những chuyển biến mới trong hành trình đó để có thêm động lực. Đó là những giải pháp ngắn hạn để lấy lại niềm tin của giới đầu tư. Những giải pháp căn bản phải là những giải pháp nâng cao năng lực của nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

Dù rất vui với chứng khoán tăng điểm nhưng các công ty chứng khoán cũng cho rằng, những dấu hiệu hiện nay chỉ là ngắn hạn và cần thêm những giải pháp để đưa sự hứng khởi ban đầu thành sự tăng trưởng ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, những dấu hiệu dài hạn đó hiện nay còn khá mờ nhạt.

Trước hết, nói về giảm lãi suất dù đã được đưa ra nhưng vẫn gói gọn trong các chương trình và đối tượng cụ thể. Chứng khoán và BĐS vẫn đang ở trong vòng kim cô "phi sản xuất" tiếp tục siết chặt.

Trong các diễn biến mới đây từ các ngân hàng, chứng khoán ít nhiều cũng được hưởng lợi khi được giảm lãi suất cho vay. Và càng hy vọng hơn khi địa dư cho vay lĩnh vực này còn khả dụng ít nhiều ở các ngân hàng và các tổ chức này sẽ tận dụng tối đa để tăng tín dụng còn thấp nhằm đạt lợi nhuận.

Được biết, trong các cuộc họp bàn về tiền tệ mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ghi nhận các ý kiên có thể sẽ có điều chỉnh tín dụng cho vay phi sản xuất phù hợp hơn với tình hình mới. Ước đến cuối tháng 8, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%. cụ thể, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,12%.

Đây chính là hy vọng lớn của các nhà đầu tư để tìm thêm vốn cho chứng khoán. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc cho vay vẫn không dễ dàng mở ra, các ngân hàng một mặt vẫn thận trọng, mặt khác cũng tính chơi "quả chắc" bằng cách chờ thông tin rõ ràng từ Ngân hàng nhà nước. Còn trước mắt, tất cả vẫn đang trong lộ trình thực hiện đúng các chỉ tiêu giảm tín phi sản xuất vào cuối năm.

Còn đối với khối DN, giảm lãi suất là một kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những phản ánh từ DN cho biết, lãi suất 17 - 19% vẫn chưa giảm như công bố và chưa có DN tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ này... Điều này nhắc đến một lo ngại của đợt giảm lãi suất này khi chỉ tập trung vào cho vay ngắn hạn và trong một số lĩnh vực hạn chế. Số tiền ít, thời gian ngắn, hạn chế đối tượng..., nên những tác động vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN trong năm 2011 đang phải chờ xem. Và một khi, DN không cải thiện được hiệu quả thì chứng khoán còn khó khăn.

Dù có những tín hiệu vui về vĩ mô nhưng tất cả đều hiểu rằng những chỉ số vĩ mô như lạm phát đang trên đà về đích với con số cao ngoài dự báo, tỷ giá và vàng dù có ổn định nhưng vẫn đang có nhiều tiềm ẩn. Vì thế, sự bất ổn vẫn còn kéo dài. Một khi chính sách thắt chặt vẫn được khẳng định tiếp tục trong năm 2012 thì chắc các nhà đầu tư cũng dè chừng.

Có lẽ vì thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị một Ngân hàng Quốc doanh khi quyết định giảm lãi suất huy động vẫn tự tin cho rằng, "Tiền sẽ không đi đầu hết, tiết kiệm vẫn có cơ lớn trước chứng khoán và BĐS".

Theo Lê Minh (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.