Tuy nhiên, liệu những giải pháp này liệu có hiệu quả khi mà hàng ngày đều có hàng loạt cao ốc không ngừng mọc lên ở những khu đất vàng tại tại đô thị, ý thức của người tham gia giao thông kém và thiếu quyết tâm của Chính quyền?
Tại Hà Nội những năm qua, dù được mở rộng nhưng áp lực giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Vũ Trọng Phụng, Hồ Tùng Mậu... tăng đột biến. Ngay cả con đường rộng lớn như Phạm Hùng, Đường Láng, Đường Nguyễn Chí Thanh cũng thường xuyên ách tắc. Nguyên nhân do hàng loạt chung cư kết hợp trung tâm thương mại mọc lên tại các nhà máy cũ hoặc những khoảng đất trống trước đây. Điều này dẫn đến mật độ dân số, hoạt động của đô thị ngày càng tăng và vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng giao thông.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đất giao thông nội đô của Hà Nội chỉ đạt 7%, giao thông công cộng 14%. Trong khi đó tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 22-24%. Không chỉ có tỷ lệ đất giao thông thấp mà mật độ dân số tại Hà Nội cũng rất cao. Tính trung bình mật độ dân số ở Hà Nội lên tới 25.000-36.000 người mỗi km2 trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người… Với thực trạng đó việc ách tắc giao thông ở Hà Nội cũng là một điều tất yếu.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều yếu tố khác làm cho ách tắc giao thông ở Hà Nội trở nên kinh hoàng. Cách đây mấy năm Hà Nội thực hiện dự án giảm ùn tắc giao thông bằng cách bịt rất nhiều ngã tư. Dự án này đã tiêu tốn ngân sách hàng chục tỷ đồng nhưng rồi phải nhanh chóng hủy bỏ do không mang lại hiệu quả.
Hà Nội cũng là thành phố quyết liệt trong việc cấm các phương tiện giao thông đậu trên vĩa hè. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng khá nửa vời và tỏ ra thiếu hợp lý khi mà các hoạt động kinh doanh, bán hàng diễn ra tại các căn nhà mặt phố. Việc sử dụng vĩa hè, thậm chí lòng đường là nơi đổ xe là điều tất yếu khi mà các điểm đổ có quy hoạch chỉ có vài trăm điểm và chiếm khoảng 1,5% đất đô thị, thấp hơn rất nhiều so với mức yếu cầu khoảng 5%.
Một vấn đề không thể không nhắc tới là ý thức và “văn hóa” của người tham gia giao thông tại Thủ đô được đánh giá là yếu kém. Hầu hết các phương tiện giao thông ở Hà Nội thường không đi đúng làn đường quy định. Phương tiện cá nhân như xe máy thường len lõi vào làn đường ô tô. Thậm chí ngay cả ô tô cũng không xếp hàng mà chen lấn vào làn đường dành cho xe máy…. Đặc biệt việc các phương tiện giao thông đi vào làn đường ngược chiều thường xuyên diễn ra. Giao thông ở Hà Nội thường xuyên ở trong tình trạng hỗn loạn. Điều này càng làm cho hiệu suất của giao thông giảm.
Không ít chuyên gia cho rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn tắc giao thông là do các phương tiện giao thông cá nhân và khuyến nghị phải hạn chế việc tăng trưởng của phương tiện giao thông cá nhân như xe máy. Điều này không phải không có lý khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân của thành phố này lên đến 12-15% mỗi năm. Điều tất yếu là cơ sở hạ tầng ngày càng trở nên quá tải. Tuy nhiên, liệu giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân có giúp cho Hà Nội hết ùn tắc?
Hiện Hà Nội được xem là thành phố có phương tiện vận tải giao thông công cộng tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, giao thông công cộng chính vẫn chỉ là xe buýt và phương tiện này cũng mới đảm nhiệm khoảng 9% nhu cầu đi lại của người dân. Thực tế tính toán của các nhà khoa học cho thấy hiệu suất sử dụng đường của xe buýt thấp hơn so với xe máy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng số xe buýt lên nhưng mật độ tham gia giao thông giữ nguyên thì tình trạng tắc đường sẽ gia tăng.
Như vậy, giải pháp hiện nay của Hà Nội chỉ có thể là phát triển hạ tầng giao thông hoặc giảm hoạt động giao thông đô thị. Tuy nhiên, cả 2 giải pháp này đều không không dễ dàng. Đất đai ở Hà Nội đắt đỏ đến mức mở rộng một còn đường chiều dài chưa đến 1km đã đốn hàng nghìn tỷ đồng đo đó việc mở rộng đường xá đang là vấn đề vô cùng khó khăn. Việc phát triển tuyến đường sắt đô thị cũng vô cùng tốn kém như việc đầu tư tuyến đường sắt trên cao, đường sắt nội nội đô đã đội vốn lên 1,5-2 lần và tiến độ hết sức chậm chạp. Theo tính toán số vốn đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông ở Hà Nội trong một vài năm tới lên đến hàng trăm tỷ USD nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng được một phần nhỏ con số này.
Với giải pháp thứ hai là giảm hoạt động giao thông cũng gần như bất khả thi. Chủ trương di dời các nhà máy, trường đại học và cơ quan nhà nước ra khỏi trung tâm thành phố đã có từ lâu tuy nhiên việc thực hiện vô cùng chậm chạp. Không chỉ vậy mỗi khi nhà máy, cơ quan di dời thì đáng lẽ thay vào đó là những công trình công cộng, dân sinh nhưng lại thay thế vào đó là những dự án bất động sản với những tòa nhà cao tầng. Điều này không những làm cho hoạt động giao thông giảm mà còn gia tăng rất mạnh khiến cho tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên trầm trọng. Việc từ bỏ những mảnh đất vàng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để làm công trình xã hội hoặc nhà thấp tầng tạo ra lợi nhuận ít không phải là dễ dàng.
Mặt khác quy hoạch đô thị ở Hà Nội cũng tồn tại quá nhiều bất cập. Những khu đô thị mới đang được phát triển có mật độ quá cao. Hạ tầng tại các khu đô thị mới được xây dựng như Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính hay khu vực Xa La ngày càng trở nên quá tải. Như vậy, tình trạng ách tắc giao thông tại đây cũng là điều tất yếu.
Tóm lại, lời giải cho bài toán giao thông ở Hà Nội hiện nay là vô cùng khó. Dù có bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng không tập trung vào những giải pháp căn cơ thì đều không mang lại hiệu quả.