Nhiều công trình được xây dựng bằng nhiều tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh Lạng Sơn đang ở trong tình trạng xây xong bỏ đó gây lãng phí.

Trường THPT chuyên Chu Văn An dù bề thế vẫn được sửa chữa với chi phí 20 tỷ đồng. Ảnh: Duy Chiến

Trung tâm cai nghiện gần 120 tỷ hoang phế nhiều năm

Dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn được đầu tư xây dựng hoành tráng từ 2010 và đến 2014 thì nghiệm thu quyết toán, đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến nay, công trình này vẫn cửa đóng then cài, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lạng Sơn, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn (tiền thân là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội) nằm trên địa bàn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và xã Tân Thành, huyện Cao Lộc có tổng diện tích gần 15 ha.

Cơ sở này được xây dựng từ năm 2003, có sức chứa 140 học viên, tuy nhiên thời điểm hiện tại đang có 229 học viên cai nghiện. Năm 2010, được sự hỗ trợ vốn của Bộ LĐ-TB&XH, dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở cai nghiện Lạng Sơn được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 119.441 triệu đồng và đã hoàn thành, quyết toán vào năm 2014. Theo thiết kế, cơ sở mới có sức chứa 500 học viên.

Tuy thế, từ đó đến nay, dãy nhà kiên cố xây xong thì cửa đóng, then cài, xung quanh cỏ cây bu kín um tùm. Bên trong các khu nhà ở cho học viên, nhà làm việc rộng thênh thang chưa có thiết bị gì được lắp đặt.

Trải qua 4 năm để không, tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc, cửa kính của một số phòng đã bị vỡ, nền nhà trở nên mốc meo. Hệ thống ống dẫn nước cũng đã xuống cấp, hư hỏng.

Ông Hoàng Văn Thả, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn cho rằng, công trình xây dựng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng là do chưa được đầu tư kinh phí mua sắm gói thiết bị khoảng hơn 4 tỷ đồng và nguồn nước phục vụ sinh hoạt khoảng 1,5 tỷ đồng (giá thời điểm năm 2014).

Thêm nữa, việc thiết kế công năng của cơ sở mới cũng có nhiều bất cập, không phù hợp với đặc thù cơ sở cai nghiện ma túy, ví như hệ thống cửa sổ, cửa ra vào khu nhà dành cho học viên được làm bằng nhôm kính lỏng lẻo rất nguy hiểm nếu như học viên quậy phá.

“Nếu không được đầu tư kinh phí để sửa chữa, thay thế sẽ gây khó khăn cho việc quản lý học viên cũng như đảm bảo an ninh trật tự nên chúng tôi không dám chuyển học viên đến đây cai nghiện”. Ông Thả nói.

Trong buổi giám sát giữa Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn với UBND tỉnh Lạng Sơn vừa được tổ chức vừa qua, vấn đề xây dựng tại dự án cơ sở cai nghiện tỉnh Lạng Sơn được đề cập. Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, công trình này hoang hóa 4 năm trời qua là việc làm không thể chấp nhận được và yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh phải giải trình và tìm hướng khắc phục.

Hàng loạt công trình “nhầm chỗ”

Điển hình là dự án xây dựng Trạm kiểm soát liên hợp Than Muội (huyện Chi Lăng) và Trường THPT chuyên Chu Văn An.

Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, trước diễn biến buôn lậu phức tạp nên đã bỏ hơn 64 tỷ đồng xây dựng trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH) tại ngã tư Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng trên diện tích 22.613 m2, với mục đích thay thế trạm KSLH Dốc Quýt (huyện Cao Lộc) hiện đang hoạt động.

Nhưng, điều oái ăm đã xảy ra, trạm KSLH Than Muội xây dựng xong, sẵn sàng đưa vào sử dụng thì chính UBND tỉnh Lạng Sơn lại đề xuất với Thủ tướng cho giữ nguyên trạm Dốc Quýt vì trạm Than Muộn đã đầu tư xây dựng “nhầm chỗ”, sẽ không phát huy được hiệu quả chống buôn lậu.

Tương tự, Trường THPT chuyên Chu Văn An đang yên ổn với ngôi trường khá bề thế tại số 2, đường Chu Văn An, phường Đông Kinh thì bỗng được chuyển đến khu trường mới xây trị giá hàng chục tỷ đồng ở số 55, đường Tổ Sơn, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

Tháng 8/2017, tỉnh Lạng Sơn lại có quyết định điều động Trường THPT chuyên Chu Văn An trở về vị trí cũ ở số 2, đường Chu Văn An. Khi quay đầu trở lại, Trường lại được rót kinh phí trên 20 tỷ đồng để “làm mới trường”.

Nhiều năm gần đây, tình trạng thiếu cơ sở vật chất nơi ở, sinh hoạt cho huấn luyện viên, vận động viên, học sinh năng khiếu thể dục, thể thao gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, 60 em học sinh năng khiếu vẫn đang ở tạm trong khu dột nát dưới gầm khán đài sân vận động Đông Kinh và sau nhà thi đấu thể thao.

Trong khi đó, ngành Văn hóa - Thể thao Lạng Sơn vẫn dành nhiều diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà, ki ốt cho thuê liên kết kinh doanh. (Theo báo cáo của UBND tỉnh thì tại khu đất Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh này có 32 ki ốt được xây dựng quanh sân vận động Đông Kinh và khu vực nhà thi đấu thể thao).

Tương tự, khu vực trụ sở Đoàn nghệ thuật tỉnh và Trung tâm VH-NT Lạng Sơn (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cũng cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê trong nhiệm sở lẫn ngoài hiên, gây bức xúc dư luận.

Theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND tỉnh Lạng Sơn, tình trạng đất công bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng, sử dụng không đúng mục đích diễn ra khá phổ biến, tràn lan. Ví như, Cty CP Tập đoàn Phú Thái chưa đưa diện tích 21.498,6m2 đất vào sử dụng tại Khu đô thị phía Đông thành phố Lạng Sơn, Cty CP Trung Việt cho Cty CP thương mại Hoàng Nguyên (Lạng Sơn) thuê lại đất trên địa bàn thành phố làm kho bãi, nơi làm việc và cho một số cá nhân thuê lại tài sản trên đất để kinh doanh.

Nguyễn Duy Chiến (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.