Thị trường BĐS TPHCM đang bộc lộ những bất cập. Ảnh: Internet.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chính sách công - chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng cần tái cấu trúc thị trường BĐS để khắc phục những yếu kém và khó khăn của hoạt động đầu tư và kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố để lĩnh vực này có thể bắt đầu lại từ đầu từ năm 2016.
Vai trò của thành phố trong việc tái cấu trúc - theo ông Thành - là có thể dùng nguồn lực của mình để vừa giải quyết khó khăn cho DN vừa cải tạo bộ mặt của thành phố. Ngoài ra, thành phố nên đề xuất việc thu thuế nhà ở, thuế BĐS bởi tất cả các quốc gia muốn phát triển thị trường BĐS đều bắt nguồn từ chính sách thuế. Nguồn ngân sách này sẽ giữ lại ở địa phương để đầu tư lại cho BĐS và cơ sở hạ tầng.
Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam vẫn là một nước nghèo, song đa số người dân đều muốn có nhà riêng trong khi hầu hết các thành phố lớn trên thế giới phần lớn người dân đều ở nhà thuê. Do vậy, chiến lược phát triển nhà ở phải quan tâm tới phân khúc nhà cho thuê bởi lâu nay lĩnh vực này mới chỉ tập trung vào đối tượng người nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - cho rằng, thực trạng thị trường chưa được mổ xẻ một cách căn cơ, qua đó nắm bắt được nguồn cung cũng như nhu cầu của thị trường. Với cả ngàn dự án BĐS như hiện nay, thị trường TPHCM đang là nguồn cung quá lớn, đó là chưa kể ở các địa phương lân cận.
Trong khi đó, thị trường BĐS đang thiếu hai loại sản phẩm có nhu cầu lớn, đó là căn hộ cho thuê giá rẻ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/căn đáp ứng nhu cầu công chức thu nhập thấp đô thị, và căn hộ bán trả góp dài hạn 20-30 năm. Nếu không đánh giá kỹ mà cứ tiếp tục bổ sung nguồn cung sẽ khiến thị trường ngày càng bội thực.