Hiện tại đang lan truyền thông tin gây xôn xao dư luận rằng, Ngân hàng Nhà nước sắp khống chế trần lãi suất bởi bất lực trước việc nhiều tổ chức tín dụng “xé rào” lãi suất huy động 14%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định có chủ trương, chính sách khống chế trần lãi suất cho vay. Một số chi nhánh ngân hàng thương mại vi phạm “xé rào” lãi suất sẽ bị xử lý và kỷ luật nghiêm giám đốc, thậm chí có thể bị dừng hoạt động.

Trong “cuộc chiến” kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong một môi trường xã hội mà yếu tố tâm lý luôn có sức tác động khá mạnh đồng thời “lây lan” rất nhanh thì cơ quan quản lý cần hết sức nhanh nhạy “bắt sóng” phản ứng nhanh tạo niềm tin cho người dân. Tín hiệu thị trường có dấu hiệu sáng sủa, so với cuối năm trước tốc độ huy động vốn VND giảm 2,75%, nhưng tốc độ huy động tăng 18,84%. Khi lãi suất tăng cao, bao giờ doanh nghiệp cũng rút tiền ra để sản xuất kinh doanh.

Đây là tín hiệu lành mạnh bởi như vậy giá thành sản phẩm sẽ giảm, góp phần tăng thanh khoản cho nền kinh tế, đồng thời làm giảm hệ số “nở tiền”. Ngược lại tiền gửi dân cư bằng VND tăng 11,39%, còn ngoại tệ tăng 8,63%. Như vậy là chính sách và các giải pháp điều hành về lãi suất, tỷ giá đang có hiệu ứng tích cực.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền gửi từ dân cư đang được khơi thông và “chảy” mạnh vào hệ thống ngân hàng. Giả sử số tiền 107.300 tỷ đồng vẫn còn nằm trong dân cư không gửi vào ngân hàng thì sẽ tác động xấu đến giá cả hàng hóa như thế nào. Điều này chứng tỏ để thị trường đi đúng ý đồ điều hành của Chính phủ, không thể xem nhẹ những “đòn” đánh vào tâm lý. Bằng chứng vẫn còn “nóng hổi” là “sự kiện” phát hiện vàng độn vonfram và một số kim loại nặng.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước hết sức vất vả “thanh minh” trước những phản ứng của dư luận khi xây dựng Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng. Bản thân Thống đốc Ngân hàng cũng không ít lần phải lên tiếng giải thích về việc Nhà nước không có chuyện cấm quyền giữ vàng trong dân và rằng, chủ trương siết kinh doanh vàng miếng của Chính phủ cũng được tiến hành rất thận trọng thì chỉ một cái tin vàng trộn vonfram ngay lập tức khiến thị trường vàng… bàng hoàng và “kinh hoàng”.

Hiệu ứng dây chuyền làm cho doanh số mua bán vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm một nửa, thậm chí có nơi chỉ còn 30-40%, nguy cơ đóng cửa hoặc chuyển nghề khó tránh khỏi. Rõ ràng sức mạnh tâm lý ở Việt Nam là đáng sợ. Bân thân Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê) cũng thừa nhận, hiện nay có luồng ý kiến cho rằng, dù rút tiền về thì lạm phát vẫn còn chịu tác động của vàng và USD. Bởi một lượng lớn ngoại tệ và vàng vẫn đang giao dịch trên thị trường và đó cũng là phương tiện thanh toán. Rút tiền về thì vẫn còn hai phương tiện thanh toán kia.

Nói như vậy cũng phần nào có lý, bởi ngoài những nguyên nhân lạm phát tiềm ẩn nội tại của nền kinh tế, thì nước ta chưa thể xóa bỏ được yếu tố “lạm phát tâm lý”. Vì thế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống truyền thông có vai trò đáng kể trong việc giảm áp lực tâm lý. Đặc biệt, Chính phủ nên quan tâm tới một số biện pháp giảm áp lực “lạm phát tâm lý” như gói hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Số tiền 3.100 tỷ đồng tuy không nhiều song có tác dụng gián tiếp giảm áp lực lạm phát.

Đương nhiên, ngân sách có hạn, Chính phủ không thể một mình “hạ nhiệt” lạm phát tâm lý. Có thời điểm khi hàng loạt tờ báo đồng loạt đưa tin giá cả đồng loạt tăng, chính là tạo ra áp lực tâm lý. Ngược lại thì hiệu quả giảm sức mạnh tâm lý cũng rất đáng kể.

Theo Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0