S&P đánh giá, vị thế kinh doanh của BIDV phản ánh mạng lưới chi nhánh mạnh và tầm phủ sóng rộng lớn của ngân hàng này tại thị trường trong nước.
Thông báo ngày 30/8 của S&P cho biết, đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ/ngoại tệ dành cho BIDV trong lần đánh giá này là B+/B, không thay đổi so với lần đánh giá gần nhất diễn ra vào ngày 8/12/2011. Đánh giá sức mạnh tín dụng độc lập (SACP) của BIDV được S&P dành cho mức điểm ‘b’.
Theo S&P, triển vọng ‘ổn định’ đối với mức đánh giá tín nhiệm của BIDV phản ánh kỳ vọng của tổ chức này rằng, BIDV sẽ duy trì năng lực tài chính hiện tại trong bối cảnh môi trường hoạt động kinh doanh nhiều thách thức ở Việt Nam, và BIDV sẽ cải thiện được hệ thống quản trị rủi ro.
S&P có thể cắt giảm điểm tín nhiệm của BIDV nếu xảy ra một trong ba trường hợp: (1) S&P hạ điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam; (2) chất lượng tài sản của BIDV giảm mạnh; hoặc (3) tỷ lệ vốn đã điều chỉnh theo rủi ro (RAC) của ngân hàng này giảm dưới mức 2%.
Ngược lại, S&P có thể nâng hạng tín nhiệm đối với BIDV nếu Việt Nam được tổ chức này tăng điểm tín nhiệm hoặc năng lực tín dụng độc lập của BIDV được cải thiện. Ngoài ra, một đợt tăng vốn lớn nào của BIDV, bao gồm việc bán cổ phần chiến lược nâng RAC của ngân hàng lên trên 3% cũng có thể nâng mức đánh giá sức mạnh tín dụng độc lập (SACP) của BIDV lên ‘b+’ từ ‘b’ hiện tại.
S&P cho biết, mức đánh giá tín nhiệm ‘B+/B’ đối với BIDV phản ánh vị thế kinh doanh ‘mạnh’, vị thế rủi ro ‘vừa phải’, tình hình nguồn vốn ‘trung bình’, mức thanh khoản ‘vừa đủ’... của BIDV theo các tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm này.
Việc đánh giá tín nhiệm của BIDV cao hơn một bậc so với đánh giá năng lực tín dụng độc lập của ngân hàng này, theo S&P, phản ánh “tầm quan trọng cao đối với hệ thống” của BIDV trong ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như khả năng hỗ trợ ở mức cao của Chính phủ Việt Nam đối với BIDV trong trường hợp cần thiết.
S&P đánh giá, vị thế kinh doanh của BIDV phản ánh mạng lưới chi nhánh mạnh và tầm phủ sóng rộng lớn của ngân hàng này tại thị trường trong nước.
“BIDV là ngân hàng lớn thứ ba của Việt Nam về giá trị tài sản, chiếm khoản 10% tổng dư nợ và 9% tiền gửi của toàn hệ thống. BIDV có mạng lưới chi nhánh lớn thứ ba ở Việt Nam, hiện diện ở 63 tỉnh thành. Ngân hàng này cũng hưởng lợi từ địa vị là một trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất… Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, BIDV sẽ được lợi từ quá trình cổ phần hóa…”, S&P nhận định.
Về tình hình vốn và lợi nhuận của BIDV, S&P cho biết, đánh giá phản ánh kỳ vọng rằng, tỷ lệ vốn đã điều chỉnh theo rủi ro (RAC) của BIDV sẽ còn yếu trong vòng 12-18 tháng tới. Lợi nhuận của BIDV, theo S&P, sẽ duy trì ở mức vừa phải do tỷ suất lợi nhuận giảm và áp lực về chi phí tín dụng, trong khi số vốn giữ lại được sẽ giảm do phải trả cổ tức.
S&P cũng đánh giá rằng, vị thế rủi ro của BIDV cho thấy một mô hình kinh doanh đơn giản, với phần lớn doanh thu đến từ các sản phẩm cho vay thương mại truyền thống. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV, theo số liệu mà S&P đưa ra đã tăng lên mức 2,8% trong năm ngoái, từ mức 2,6% vào năm 2010. Theo S&P, chất lượng tài sản của BIDV sẽ còn chịu áp lực suy giảm trong vòng 12 tháng tới.
“Ngân hàng này đã có những bước đi nhằm tăng cường hoạt động ở khu vực kinh tế tư nhân và khách hàng bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào những khu vực kinh tế nhiều biến động như xây dựng, đồng thời tăng cường hệ thống quản trị rủi ro. Tuy nhiên, lợi ích của những nỗ lực này sẽ chỉ trở nên rõ ràng trong trung hạn, chúng tôi cho là vậy”, S&P nhận định.
Theo số liệu mà S&P đưa ra, cho dù có một mạng lưới chi nhánh rộng, BIDV có tỷ lệ dư nợ/tiền gửi của khách hàng trên 100%. BIDV được tiếp cận với nguồn vốn từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế dành cho các dự án phát triển. “Mối quan hệ giữa BIDV và Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng này trong thời gian xảy ra căng thẳng thanh khoản vào năm 2008. Khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn đã bị suy giảm thị phần tiền gửi. Các tài sản có mức thanh khoản cao của BIDV, bao gồm tiền mặt, các khoản vay liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ đủ để trang trải các khoản nợ ngắn hạn lớn”, S&P nhận xét.