Cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản, tình hình tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư bắt buộc và khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN. Ðây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện nay, nhưng về lâu dài cũng còn rất nhiều trở ngại, đòi hỏi nỗ lực từ chính các doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ loại vật liệu này.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung xi-măng cốt liệu tại Công ty cổ phần gạch Khang Minh (Hà Nam). Ảnh: QUANG MINH

Sản xuất và tiêu thụ còn chậm

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết: Với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 đến 25% vào năm 2015, chỉ tính riêng tình hình đầu tư sản xuất ba chủng loại sản phẩm chính là đã đạt mục tiêu đặt ra trong Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định 567/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ loại vật liệu này lại rất chậm, do rơi vào đúng thời điểm thị trường bất động sản "đóng băng", đầu tư công cắt giảm, lãi suất vay vốn ở mức cao, nhiều DN sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định... Hiện nay, chỉ có gạch Block là sản xuất và tiêu thụ tốt, đạt tỷ lệ khoảng 90% công suất. Còn lại các loại VLXKN khác đạt rất thấp, thậm chí một số DN đầu tư sản xuất phải dừng dây chuyền vì hàng tồn kho cao. 26 DN sản xuất gạch bê-tông nhẹ hầu hết chỉ đạt công suất 20 đến 30%, duy chỉ có một công ty đạt gần 50% công suất. Mặt khác, do mới đi vào sản xuất nên chất lượng chưa đồng đều, tỷ lệ phế phẩm còn cao, số đông nhà máy chỉ tiêu thụ được 50 đến 60% sản lượng.

Ðánh giá những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh Ðặng Việt Lê cho biết, Khang Minh cũng như các DN khác đều gặp khó khăn do thị trường bất động sản "đóng băng". Dù gạch không nung xi-măng cốt liệu của công ty đã được sử dụng trong rất nhiều công trình như: Khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora, Khu đô thị sinh thái Ecopark, Khu đô thị Vincom Village... tuy nhiên vẫn chưa thâm nhập được vào thị trường nhà dân do trở ngại về mặt tâm lý, thói quen tiêu dùng. Công tác tuyên truyền về VLXKN đến người dân hiện nay chưa được quan tâm đúng. Hơn nữa, những công trình có vốn ngân sách Nhà nước vẫn chưa đưa VLXKN vào xây dựng do một số vướng mắc về vấn đề hành lang pháp lý. Giá các loại gạch không nung chưa được đưa vào thông báo giá hằng quý của các liên sở tài chính - xây dựng. Vì vậy, các đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu không có cơ sở để làm dự toán cũng như thẩm định công trình. Mặc dù vậy, nhà máy vẫn duy trì được sản xuất, bảo đảm các hoạt động căn bản, có điều chỉnh sản xuất giảm nhưng chưa phải cắt giảm lao động.

Cần những giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc khẳng định: Theo tính toán, với sản lượng 4,2 tỷ viên QTC, VLXKN đã tiết kiệm được 6,15 triệu m3 đất sét, 615 nghìn tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2. Riêng đối với chủng loại VLXKN nhẹ, theo tính toán của các đơn vị tư vấn, với công trình cao 25 tầng, sử dụng VLXKN nhẹ thay thế gạch đất sét nung, mặc dù tại thời điểm tính toán, giá VLXKN cao hơn gạch đất sét nung khoảng 15% nhưng sẽ làm giảm giá thành đầu tư toàn bộ công trình từ 6 đến 8% do các lợi ích mang lại từ trọng lượng nhẹ của viên gạch: Giảm chi phí cho kết cấu nền móng, kết cấu khung dầm do tải trọng lên kết cấu giảm; đẩy nhanh tiến độ thi công do năng suất thi công (xây) cao hơn, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng, từ đó giảm các chi phí quản lý, chi phí tài chính... Ngoài ra, chưa kể việc dùng VLXKN nhẹ sẽ giúp tiết kiệm được năng lượng làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông trong giai đoạn vận hành, góp phần tích cực vào chương trình tiết kiệm năng lượng.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD về việc Quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình. Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN kể từ ngày 15-1-2013. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN kể từ ngày có hiệu lực và sử dụng 100% sau năm 2015. Các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến hết năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Song song với việc khuyến khích, bắt buộc sử dụng VLXKN, những năm qua, Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo việc xóa bỏ lò gạch thủ công. Song, đến nay nhiều tỉnh, thành phố vẫn tồn tại lò gạch thủ công với số lượng lớn như: Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Long, An Giang...

Có thể nói, qua hơn một năm thực hiện, chương trình phát triển VLXKN bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các DN tư vấn thiết kế, thi công, sản xuất vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, do triển khai đúng vào thời điểm hiện nay nên việc sản xuất, tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Các DN sản xuất, tiêu thụ VLXKN cần có những chính sách linh hoạt, phù hợp tình hình thị trường, một mặt cân đối năng lực sản xuất, tiêu thụ, đồng thời tích cực tìm kiếm, phát triển những dòng sản phẩm và thị trường mới. Thực hành triệt để tiết kiệm trong sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thấy rõ lợi ích khi sử dụng VLXKN... Mặc dù đã có chính sách mạnh mẽ về việc bắt buộc và khuyến khích sử dụng VLXKN, nhưng phía các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Xây dựng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này, có những chế tài xử phạt mạnh mẽ, tránh việc "đánh trống bỏ dùi", làm giảm hiệu quả của chương trình.

Minh Thành (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.