Ngày 26/11, Standard & Poor's (S&P), một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, đã đánh tụt xếp hạng tín dụng của Bỉ từ mức AA+ xuống mức AA.
S&P còn kèm theo nhận xét quan ngại về sức ép tài chính và thị trường Bỉ sẽ phải hứng chịu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục xấu đi.

Trong bản thông cáo của mình, S&P cho biết khả năng của Chính phủ Bỉ trong việc ngăn chặn sự gia tăng nợ công, hiện đã ở mức quá cao, sẽ bị hạn chế do mất đòn bẩy tài chính trong khu vực tư nhân tại Bỉ và các thị trường thuộc các đối tác thương mại chủ chốt của Bỉ.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Didier Reynders vẫn nhận định rằng mức xếp hạng tín dụng của Bỉ là một trong những mức khá nhất tại châu Âu, và quy mô nợ công hiện đang giảm xuống.


Mặc dù tổng nợ công của Bỉ hiện xấp xỉ bằng mức GDP, biến nước này thành một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất của châu Âu, mức thâm hụt ngân sách năm nay được dự kiến sẽ chỉ ở mức tương đối thấp 3,6%. Tuy nhiên, bế tắc chính trị kéo dài gần 18 tháng qua tại nước này đã châm ngòi cho việc quốc gia này bị đánh tụt hạng tín dụng, có nghĩa là Bỉ sẽ phải trả lãi suất cho khoản nợ cao hơn.


Tranh cãi về dự toán ngân sách cộng thêm với sự suy giảm lòng tin chung đối với nợ công của châu Âu đã đẩy chi phí vay nợ của Bỉ đột ngột tăng cao. Vào cuối tháng Chín, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn dưới mức 3,9%. Song đến ngày 25/11, lãi suất này đã tăng lên mức 5,9%.


Phát biểu trên truyền hình Bỉ ngay sau khi có thông cáo của S&P, Thủ tướng tạm quyền Yves Leterme cho biết Bỉ cần phải có ngay một phản ứng rõ ràng nếu không muốn điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Còn Bộ trưởng Tài chính nước này Didier Reynders khẳng định: "Thông cáo của S& P càng làm tăng tính cấp bách của việc sớm hoàn tất dự toán ngân sách tài khóa 2012."


Trong khi đó, các chính đảng đã tiến hành cuộc thương lượng kéo dài 19 tiếng đồng hồ và đã đạt được thỏa thuận về chương trình cải cách kinh tế xã hội mà chính phủ mới sẽ thực hiện khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, quyết định này đã quá muộn để có thể tránh được việc chi phí đi vay tiếp tục bị đẩy tăng cao.


Sáu đảng phái hiện thương thảo để thành lập chính phủ liên bang mới tại Bỉ đã đồng ý với chỉ tiêu thâm hụt ngân sách cho tài khóa 2012 là 2,8% GDP, song lại bất đồng về nguồn tài trợ cho mức thâm hụt này, cụ thể là còn mâu thuẫn giữa mức tăng thuế hoặc mức cắt giảm chi tiêu công.


Sự kiện Bỉ bị đánh tụt hạng tín dụng xảy ra ngay sau một tuần lễ khó khăn với thị trường nợ công của châu Âu. Ngày 25/11, Italy đã phải trả mức lãi suất cao kỷ lục từ trước đến nay - 6,5% cho nợ kỳ hạn 6 tháng, tăng thêm áp lực đối với chính phủ mới của nước này.


Trước đó, Bồ Đào Nha cũng đã bị hạ một bậc tín nhiệm do mức nợ cao và triển vọng kinh tế u ám của nước này./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.