Nhiều khu nhà với "lồng chim, chuồng cọp" ken dày đặc trở thành mối hiểm họa đối với người dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Khu chung cư Ðồng Cửa, thuộc phường Lê Lợi gồm hai tòa nhà năm tầng, mỗi nhà có 60 hộ dân sinh sống được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước. Không khác gì tại những chung cư cũ ở Hà Nội, người dân ở đây tự ý cơi nới vô tội vạ. Ngoài ra, lan can, cầu thang, ô thoáng giữa các chiếu nghỉ, tường phía ngoài từ lâu đã không được bảo trì, thay thế đã hư hỏng gần hết; hệ thống cấp, thoát nước hoạt động khá thảm hại, nước ăn thì thiếu mà nước thải ứ đọng; đường dây điện cũ chằng chịt như mạng nhện cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn...
Bác Lê Thị Thu, một người dân sống tại chung cư Ðồng Cửa cho biết: "Hai mươi mấy năm sống ở đây tôi thấy tình trạng nhà vẫn thế thôi. Có khác là nhiều hộ cơi nới thêm những lồng sắt phía sau. Toàn tự làm cả, có phải xin phép đâu. Nhìn sợ lắm, chúng tôi đi tập thể dục hoặc là trẻ con chơi có dám gần phía đó đâu, nhỡ nó mà rơi thì chết". Ông Vũ Văn Thắng, Tổ trưởng dân phố Ðồng Cửa, nơi có những khu chung cư tọa lạc, tỏ ra lo ngại đối với tình trạng xuống cấp của công trình cũng như hệ thống điện của tòa nhà. Mặc dù ngành điện đã thay toàn bộ dây từ cột vào nhà chạy dọc theo cầu thang, nhưng hệ thống dây đến từng hộ khó có thể nói là an toàn vì hầu hết do bà con tự lắp đặt.
Không riêng bác Thu, ông Thắng mà nhiều người dân sống trong hai khu tập thể này cũng rất lo ngại trước tình trạng của khu nhà. Bà con cho biết đã phản ánh với cấp chính quyền trong các cuộc họp tổ dân phố, tiếp dân, thậm chí cả các kỳ họp hội đồng nhân dân nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Phần lớn cư dân chung cư là người lao động, công chức, viên chức, nhiều người đã ở đây từ ngày tòa nhà được đưa vào sử dụng. Do thu nhập thấp, không có điều kiện chuyển nơi ở trong khi số nhân khẩu phát sinh cho nên phải cơi nới để mở rộng không gian sống. Càng ngày, khu chung cư càng xuống cấp, những phần cơi nới khiến tòa nhà biến dạng càng khó để níu giữ hàng trăm tấn vật liệu đeo bám bên mình. Không chỉ người dân sống trong các "lồng chim", "chuồng cọp" phía trên lo sợ, những nhà phía dưới lại càng không yên tâm vì chúng có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào.
Cũng giống như khu chung cư Ðồng Cửa, nhưng có "tuổi đời" thấp hơn một chút là hàng chục căn nhà tập thể năm tầng, vốn là tài sản của Nhà máy phân đạm và hóa chất Hà Bắc, nằm tại phường Thọ Xương. Trước kia, đây là nơi Nhà máy xây dựng để cấp cho công nhân viên cùng gia đình sinh sống cho nên diện tích cũng có nhiều "chủng loại". Nhờ quản lý tốt hơn cho nên tình trạng "lồng chim", "chuồng cọp" hầu như không xảy ra tại những căn nhà này, nhưng sự xuống cấp thì không tránh khỏi. Tiếp cận khu nhà, đập vào mắt chúng tôi là ma trận của dây điện và đường ống nước. Không hiểu do thiết kế cũ không có hay đã hỏng hóc mà hầu hết các hộ dân đều sử dụng đường ống dẫn nước gắn phía ngoài tường. Nước thải, nước ăn chảy ùng ục trong các loại ống nhựa ken dày suốt tầng một đến tầng năm. Ðường dây điện chằng chịt như mạng nhện cả bên ngoài và trong tòa nhà. Bất an ở chỗ, hầu hết đường dây chạy ngầm là loại dây cũ, chịu tải kém trong khi đồ dùng điện của nhiều hộ ngày càng nhiều và có công suất lớn khiến nguy cơ cháy nổ trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân nơi đây. Tình trạng xuống cấp của các tòa nhà rất đáng lưu tâm. Bà con cũng đã nhiều lần đề nghị chính quyền sở tại, ngành điện và Nhà máy nhưng các đơn vị không thoái thác thì bảo "chờ" xem xét. "Thôi thì tự cải tạo mà dùng, hoặc là chờ nó xảy ra "cái gì đó" may ra họ mới quan tâm giải quyết. Bây giờ vẫn sống an toàn thế này, ai lo cho mình làm gì" - ông Phúc, một cư dân chung cư ở tổ dân phố 7A than thở.
Tìm đến chính quyền địa phương cũng như đơn vị quản lý các tòa nhà kể trên chúng tôi đều nhận được, những câu trả lời na ná. Ông Lê Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi cho biết: Ðúng là các khu chung cư trên địa bàn phường đã xuống cấp nghiêm trọng, mấy năm trước, phường đã báo cáo lên thành phố, thành phố cũng đã báo cáo tỉnh, tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng lập đề án cải tạo, mời gọi đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân chấp hành nghiêm các quy định an toàn, phòng, chống cháy nổ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khu chung cư ở Ðồng Cửa do UBND TP Bắc Giang làm chủ đầu tư, xây dựng để cấp và bán cho cán bộ từ những năm 1980-1985. Sau ngần ấy thời gian, tất cả các căn hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, nhà nhiều căn hộ đã qua mua bán, đổi chủ đều thực hiện bằng giấy viết tay, ai cẩn thận thì có xác nhận của chính quyền. Ngoài ra, như các hộ phản ánh, tất cả các căn hộ ở tầng một đều lấn chiếm đất công chung quanh để làm chỗ ở hoặc kinh doanh cũng không bị giải tỏa nhưng phải nộp thuế đất cho phường (?), nhà tầng trên thì mạnh ai nấy cơi nới. Thậm chí, có hai hộ tầng năm còn đục thủng trần nhà, làm thêm một căn phòng trên nóc chung cư mà chính quyền cũng không có ý kiến gì!
Quả thật, hàng nghìn hộ dân sinh sống trong các khu chung cư cũ ở TP Bắc Giang mỗi ngày đều phải sống với nỗi lo mất an toàn. Nỗi lo của hơn nghìn hộ dân, gần năm nghìn nhân khẩu ấy, không biết đến bao giờ mới được chính quyền quan tâm giải quyết?