11/12/2018 11:22 AM
Hàng vạn dân khu vực ngoài đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội mấy chục năm qua phải sống tạm bợ vì thiếu quy hoạch xây dựng. Trường học và nhiều công trình dân sinh chậm được xây dựng, rác thải ngập ngụa, lấn chiếm đất đai tràn lan…

Ảnh trường tiểu học Thuý Lĩnh giữa trung tâm Thủ đô nhiều năm vẫn tạm bợ

Thầy cô giáo phải làm việc dưới gầm cầu thang

Tại Trường tiểu học Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), mặc dù là một trường học thuộc quận nội thành nhưng ít người có thể tưởng tượng về cơ sở vật chất tại đây.

Khu trường cũ 2 tầng quy mô 10 lớp học từ lâu đã không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em người dân trong khu vực. Nhà trường phải cơi nới, lợp tôn khu vực sân sau để thêm vài lớp học.

Đầu năm 2017, trường tiếp tục phải dọn khu vực kho để làm các phòng học. Vào cao điểm nắng nóng hè, bảo vệ phải dội nước xung quanh phòng học, đổ nước lên mái tôn; lắp thêm phun sương để giảm nhiệt cho các em.

Cô Đàm Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thúy Lĩnh cho biết, cô về trường từ tháng 7/2013, thời điểm này trường chỉ có 10 lớp học và 30 cán bộ, giáo viên. Để dành phòng học cho các em, các thầy cô phải làm việc ở gầm cầu thang.

Đến năm 2016, nhờ sự ủng hộ của quận, trường mới có nguồn lực xây dựng 4 phòng học tạm và phòng hiệu bộ cho giáo viên làm việc.

Cô Dung cho biết, từ năm 2016 có Quy hoạch phòng, chống lũ mọi hoạt động xin xây dựng cải tạo trường bị đình lại. Mặc dù cử tri phản ánh nhiều lần lên quận, quận cũng quan tâm giúp trường xây dựng phòng học tạm nhưng để xây mới trường thì vẫn chưa được phép. “Tôi chỉ mong muốn sớm có quyết định quy hoạch cụ thể, để trường được xây mới, thầy cô và học sinh đều yên tâm công tác và học tập”, cô Dung kiến nghị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đức Thọ thông tin: “Địa bàn phường có hơn 1,1 vạn dân ở ngoài đê, đa số là ở làng Thúy Lĩnh - ngôi làng có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi”. Đa số người dân đều ở lâu dài và đã có sổ đỏ.

Thế nhưng từ năm 2016 khi có Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, quận dừng mọi hoạt động xây dựng mới khu vực này.

Ông Thọ cho hay, từ đó đến nay không biết bao nhiêu lần phải đi cưỡng chế công trình. Người dân cũng vô cùng bức xúc, bởi đất có sổ đỏ mà không cho người dân xây nhà.

Thậm chí nhiều người còn có tư tưởng cho rằng chính quyền gây khó khăn cho người dân. Chủ tịch phường Lĩnh Nam cho rằng, với tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số như hiện nay người dân không thể ở trong căn nhà 2 tầng theo kiểu sửa chữa, cải tạo.

Họ làm thủ tục tách hộ mà không được xây dựng nơi ở mới. “Rất mong thành phố sớm hoàn thành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, xác định rõ vùng nào giải tỏa, vùng nào được bảo vệ, để người dân an tâm sinh sống”, ông Thọ nói.

Phường xã căng mình quản lý

Trên địa bàn phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) thời gian qua liên tục xuất hiện những vụ việc đổ chất thải rắn để lấn chiếm lòng sông, xây dựng trái phép trên đất ngoài hàng lang thoát lũ…

Điển hình mới đây là tại số nhà 823 Bạch Đằng, căn nhà xây dựng sai phép, dựng khung thép trên hành lang thoát lũ đã từng bị cơ quan chức năng lập biên bản cưỡng chế năm 2017. Thế nhưng đến thời điểm này, căn nhà không bị cưỡng chế mà còn đổ thêm phế thải lấn chiếm lòng sông.

Tại địa bàn phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), nhiều hộ dân phải chấp nhận xây nhà với giấy phép xây dựng tạm. Bà Hoa (tổ dân phố 12E, phường Thanh Lương) cho biết, cả khu dân cư này nằm giữa những nhà xưởng của Cảng Hà Nội. “Ở đây đã xảy ra một số vụ cháy nổ nhà xưởng rất nguy hiểm, rất mong chính quyền có biện pháp di dời, hoặc đảm bảo PCCC ở các nhà xưởng để người dân an tâm sinh sống”, bà Hoa nói.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), khu vực ngoài đê trên địa bàn có 3.700 hộ dân, 25.000 nhân khẩu. Dân cư ở đây ban đầu là cán bộ công nhân viên của Cảng Hà Nội và một phần dân thuộc dự án di dân mở rộng đường Trần Khát Chân.

Những hộ dân ở trong không gian thoát lũ có sổ đỏ vẫn được quận cấp phép xây dựng, chiều cao tối đa công trình là 4 tầng 1 tum. Nếu nằm trong chỉ giới thoát lũ hoặc nằm trong quy hoạch thì chỉ được cấp phép tạm, tức là phần nhà cửa xây dựng tạm sẽ không được đền bù nếu có giải phóng mặt bằng.

Để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống lũ, ngày 18/2/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Tuy nhiên, khi có Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đến nay Hà Nội vẫn chưa hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu phạm vi khu vực ngoài đê dọc hai bên sông Hồng.

Trần Hoàng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.