29/10/2013 9:33 AM
Hoạt động mua bán (M&A) dự án bất động sản phía Bắc vẫn được cho là êm ả hơn thị trường phía Nam. Tuy nhiên, đằng sau đó là làn sóng ngầm với nhiều giao dịch thành công.

Từ việc FLC mua Alaska

Dự án Alaska, quy mô 7,895 héc-ta tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình chỉ 3,9 km. Dự án gồm nhiều hạng mục, từ nhà ở hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, đến khu biệt thự nhà vườn, nhà chia lô, nhà trẻ, công viên, bãi đỗ xe… được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột biến trong quy mô hoạt động của Alaska Land, chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiến độ triển khai của Alaska đã không được như ý muốn. Đến thời điểm hiện nay, Dự án Alaska vẫn thuộc về Alaska Land, nhưng chủ đầu tư thực sự đã thay đổi.

Dự án Alaska được “hồi sinh” khi về với FLC

Ngày 8/8/2013, CTCP Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng mua lại 99% vốn điều lệ của Alaska Land, trị giá 300 tỷ đồng và trở thành chủ đầu tư thực sự của Dự án Alaska.

Dù đây là thương vụ khá lớn, tuy nhiên, nếu không phải được thực hiện bởi một công ty đại chúng, phải thực hiện công bố thông tin, có lẽ, thương vụ này chỉ dân trong nghề mới để ý.

Về với FLC, một tập đoàn có quy mô tài sản lớn và hầu như chưa vay nợ ngân hàng, cơ hội để Alaska được đẩy nhanh tiến độ triển khai đã thấy rõ.

Đến các cuộc “thay máu” khác

FLC cho biết, ngoài Dự án Alaska, Tập đoàn vẫn đang trong quá trình tìm kiếm các dự án bất động sản khác, với định giá đủ hấp dẫn để đầu tư.

Không chỉ FLC với thương vụ Alaska, gần đây, thị trường Hà Nội cũng chứng kiến thương vụ Coma 18 bán lại Dự án VP6 Linh Đàm cho Xí nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu, thuộc Tập đoàn Mường Thanh.

Đây cũng là một thương vụ được chú ý, không phải bởi quy mô (chỉ có giá 12 tỷ đồng), mà bởi Tập đoàn Mường Thanh đang “làm mưa làm gió” thị trường Hà Nội bằng các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung bình thấp, trong khi Coma 18 là doanh nghiệp niêm yết.

Một Dự án khác cũng có sự “thay máu” rất bình lặng là Dự án Park City tại Hà Đông, rộng 70 héc-ta. Đầu tiên là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thoái vốn khỏi Công ty Vinaconex - Hoàng Thành, một bên liên doanh thực hiện Dự án, tiếp đến là phía nhà đầu tư Việt Nam nhượng lại toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài, đưa Park City thành dự án 100% vốn nước ngoài do Công ty Perdana ParkCity (Malaysia) làm chủ đầu tư.

Ngoài Park City, Vinaconex cũng đã lên chủ trương thoái vốn tại liên doanh An Khánh, chủ đầu tư của Khu đô thị Splendora tại Hoài Đức. Nếu được thực hiện, thương vụ này cũng có quy mô không hề nhỏ.

Sôi động trong bình lặng

Không như thị trường phía Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản ở phía Bắc có phần kín đáo hơn rất nhiều. Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn cũng nhận được nhiều lời chào bán dự án, nhưng vì một số lý do, nên việc mua dự án vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn.

Trên các website, một vài thông tin chào bán dự án cũng được đăng rao, nhưng hầu hết đều giấu tên dự án và chủ đầu tư, chỉ nói khu vực dự án. Trong vòng 2 năm qua, hoạt động M&A bất động sản được xúc tiến khá tích cực cả ở đầu mua lẫn bán, nhưng thông tin chỉ được tiếp cận theo kiểu gặp gỡ trực tiếp và chào mời, không qua công bố công khai.

Chính việc thực hiện theo cách trực tiếp, không công khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thành công của các thương vụ. Tuy nhiên, cũng có lý do khác dẫn đến việc chuyển nhượng gặp khó khăn là bên bán không chấp nhận chịu lỗ.

Một chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội đã mất hơn 2 năm để chào bán dự án, nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận kết quả khả quan. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, tổng chi phí ban đầu bỏ ra cho dự án lên tới gần 100 tỷ đồng, chưa tính chi phí tài chính phát sinh trong hơn 4 năm qua, nhưng chi phí hạch toán trên sổ sách giấy tờ chỉ có hơn 50 tỷ đồng. Dự án lại gặp khó về quy hoạch, vì quy hoạch 1/500 cũ không còn phù hợp với đặc điểm thị trường hiện tại và bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố trong xây dựng, nên giờ đây việc chuyển nhượng dự án bị tắc.

Tuy nhiên, với sức ép tài chính đang ngày một gia tăng, trong bối cảnh nhà đầu tư có năng lực tài chính cũng đang tích cực tìm mua dự án, M&A bất động sản phía Bắc được dự báo sẽ vào thời kỳ sôi động.

Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.