Nước sạch không có, điện đóm tù mù, hộ khẩu không được nhập, đường sá lầy lội bẩn thỉu, đó là những gì mà cư dân của tổ dân phố 68 phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải chịu đựng 12 năm nay. Tất cả chỉ bởi họ nằm trong diện quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Niềm vui ngắn ngủi

Đó là lời trần tình của ông Nguyễn Quang Dũng - Tổ trưởng Tổ dân phố 68 khi nói về cuộc sống của các hộ dân thuộc tổ mình. Ông Dũng là dân gốc ở đây nên không nhà nào là ông không rõ từng điều kiện, hoàn cảnh. Ông Dũng cho biết, trước đây đất của tổ 68 vốn là đất làng và tiếp giáp với khu nghĩa trang, vì thế đường ngang ngõ tắt đều nhỏ hẹp và lầy lội.

Năm 2004, Nhà nước có chủ trương xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt do Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch thì một nửa tổ dân phố 68 sẽ được giải tỏa để lấy đất phục vụ dự án. Ngày nhận thông báo, nhiều người dân ở đây cũng mừng. Đang ở trong cảnh xập xệ, tối tăm bỗng dưng được chuyển đến nơi tái định cư mới, không mừng sao được. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, người dân cứ chờ đợi mãi mà dự án thì vẫn chỉ là một bãi đất hoang rộng mênh mông cỏ mọc lút đầu. Oái oăm hơn, cũng kể từ đó cuộc sống của họ càng ngày càng trở nên tệ hại.

Ông Dũng kể khổ: “Vì đã nằm trong diện quy hoạch lấy đất phục vụ dự án nên mọi khoản đầu tư hạ tầng của thành phố như điện, nước không kéo về đến khu vực này nữa. Tổ tôi có khoảng 200 hộ nằm trong diện giải tỏa thì cũng chừng ấy gia đình đều trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Điện cũng chỉ kéo về đến đầu tổ dân phố phía đường Tân Mai. Khu vực các hộ phía trong nếu muốn dùng thì phải kéo cả trăm mét dây ra tận đầu đường để đấu nối. Lúc đầu ai cũng nghĩ chỉ tạm bợ như thế một thời gian thì sẽ chuyển đi, thế nhưng mọi sự chờ đợi đến nay đã hơn chục năm và không biết đến bao giờ mới chấm dứt”.

Để chứng minh những gì mình nói, ông Dũng đưa chúng tôi xuống ngõ 260 phố Tân Mai. Từ mặt đường vào tới con ngõ là đoạn đường đất gập ghềnh dài gần 500m với đủ loại ổ voi, ổ gà nước đọng thành vũng lớn.

Bà Lê Thị Ước trú tại nhà số 63 đang lúi húi trút từng can nước vào thùng phuy, nghe chúng tôi hỏi thì thở dài sườn sượt: “Tôi chẳng biết dự án có triển khai nữa hay không, nhưng cũng vì nó mà tôi đã phải sống tạm bợ thế này suốt 10 năm. Nhà tôi bây giờ dột nát, tường nứt ngang dọc khắp nơi, chỉ một trận mưa to cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng muốn xin xây dựng sửa chữa cũng không được vì nằm trong diện quy hoạch phục vụ xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt. Chúng tôi xin cấp nước vào đây thì bên nước sạch họ nói đất này thuộc dự án nên cũng không cấp. Nhưng chờ đợi đền bù, giải tỏa suốt chừng ấy năm vẫn chưa thấy gì, trong khi hàng ngày gia đình tôi vẫn phải đi mua từng can nước về dùng. Bây giờ tôi chỉ mong nếu dự án có thực hiện thì triển khai ngay, còn không thì thông báo thu hồi để người dân chúng tôi an cư lạc nghiệp”.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Ngọc ở số nhà 71 cho biết: “Trong 10 năm chờ đợi dự án của Licogi triển khai là từng ấy thời gian người dân nơi đây sống trong cảnh vất vưởng chờ đợi. Không chỉ thiếu nước sạch mà điện ở đây cũng rất yếu vì không được đầu tư. Điện yếu đến mức mùa hè chiếc quạt mát cũng chạy lờ đờ vì sụt áp. Nhưng tệ hại nhất là từ khi có quy hoạch dự án thì việc nhập hộ khẩu về đây của các hộ dân coi như dừng lại. Như nhà tôi hiện nay các cháu đến tuổi lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái nhưng hộ khẩu thì đều phải quay về địa chỉ cũ trước khi chuyển đến. Nói nôm na là xác một nơi, hồn một nẻo. Người lớn thì thôi cố gắng khắc phục vậy, nhưng lũ trẻ muốn đi học tại đây là rất khó khăn do trái tuyến. Quanh đây có nhiều hộ thấy điều kiện sống quá khổ đã treo biển bán nhà giá rẻ, nhưng cũng chẳng ai dám mua”.

Mặc dù nhà sắp sập, nhưng bà Ước cũng không được sửa vì đợi dự án giải phóng mặt bằng

Treo đến bao giờ?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Cung Hữu Hòa - Chủ tịch UBND phường Tương Mai thừa nhận, những bức xúc của người dân về sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt là có thật. Ban đầu bà con nắm được chủ trương của dự án có làm một con đường phía Tây để nối với khu hành chính quận thì hầu hết đều ủng hộ. Tuy nhiên quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đến nay dự án mới chỉ giải quyết được hơn 10 hộ và sau đó án binh bất động.

Theo ông Hòa, lý do chính khiến dự án suốt 10 năm nay không được triển khai là bởi chủ đầu tư không bố trí được nhà tái định cư và người dân có đơn kiến nghị vì chính sách bồi thường hỗ trợ quá thấp. Thậm chí có nghịch lý là cùng một thửa đất nhưng có hộ được bồi thường 100%, có hộ lại được bồi thường theo giá đất nông nghiệp.

“Khu đô thị mới Thịnh Liệt là dự án lớn, lấy vào đất của 3 phường gồm: Thịnh Liệt (307.614m2), Tương Mai (31.539m2) và Hoàng Văn Thụ (12.465m2), nhưng cư dân của tổ 68 phường Tương Mai là khổ nhất vì đã 10 năm nay vẫn chưa được triển khai, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đi họp chúng tôi cũng rất đau đầu vì bị chất vấn mà không biết phải trả lời thế nào nên chỉ còn cách khuyên bà con cố chờ. Tính đến nay đã qua 4 nhiệm kỳ Chủ tịch phường mà dự án vẫn chưa đâu vào đâu. Bản thân tôi cũng không biết tình trạng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ” - ông Hòa nói.

Lý giải về việc dự án chậm trễ đến hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Đăng Hoàn - Phó Ban quản lý dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt cho rằng do người dân không chịu nhận tiền đền bù. Theo ông Hoàn, hiện dự án đã chi trả hơn 300 tỷ đồng tiền đền bù cho người dân các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai. Tuy nhiên vướng mắc ở tổ dân phố 68 là do khu vực này trước kia thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng và phần đất họ đang sinh sống vốn là đất nông nghiệp nhưng đã có quy hoạch là đất ở.

Do đó nhiều gia đình sau này đã làm được sổ đỏ. Khi dự án triển khai thì riêng khu vực để làm đường phía Tây sẽ phải thu hồi đất của 84 hộ. Tuy nhiên, cho tới lúc này mới có 16 hộ nhận tiền đền bù, còn 68 hộ kiên quyết không nhận do đền bù thấp vì bị áp giá của đất nông nghiệp. Chính vì vậy toàn bộ phần diện tích sẽ thu hồi của tổ 68 nhiều năm qua vẫn chưa thể đền bù và giải phóng được mặt bằng.

Theo ông Đặng Trung Kiên, cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng của Ban quản lý dự án, nếu đất có sổ đỏ, người dân sẽ được đền bù khoảng 18 triệu/m2, nhưng với những hộ không có sổ đỏ, mức đền bù, hỗ trợ chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Chính vì mức chênh lệch quá lớn như vậy nên đại đa số người dân kiên quyết không chấp nhận. Theo ông Nguyễn Đăng Hoàn, mới đây, phía Licogi đã có văn bản kiến nghị thành phố cho phép chủ đầu tư được áp một mức giá đền bù chung.

Về việc chậm bàn giao nhà tái định cư, theo ông Hoàn hiện chủ đầu tư đang triển khai xây dựng 2 trong số 4 tòa chung cư cao 25 tầng dành cho tái định cư. Theo kế hoạch thì cuối năm 2017 hoặc giữa 2018 sẽ hoàn thành và bàn giao nhà. Như vậy, trong khi chờ đợi quyết định của thành phố và chờ quỹ nhà, thì hàng trăm người dân sẽ tiếp tục phải chịu cảnh sống mòn bên dự án treo.

Nguyễn Long (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.